Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 10. Theo đó, tổng tiền gửi của khách hàng vào hệ thống tăng thêm 5.766 tỉ đồng so với tháng trước, lên gần 11,43 triệu tỉ đồng. Trong đó, động lực chính đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Trong đó, tiền gửi của dân cư trong tháng 10 tăng thêm 21.577 tỉ đồng so với tháng trước, lên 5,66 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng 10 cũng tăng 0,4%, cao hơn so với những tháng trước khi các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động.
So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được hơn 360.000 tỉ đồng từ dân cư.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 10 lại sụt giảm 15.811 tỉ đồng, xuống còn hơn 5,766 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức kinh tế cũng giảm xuống còn 2,15%.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, tiền gửi của toàn hệ thống tăng gần 480.800 tỉ đồng, tương đương mức tăng 4,39%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, trong khi các doanh nghiệp chỉ tăng 2,15%.
Được biết, tiền gửi từ khối dân cư tăng mạnh trong tháng 10 là do trong hai tháng gần đây, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 3-4%/năm tùy từng kỳ hạn. Phổ biến là từ 9,5-10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm. Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm.
Ngày 23.9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm phần trăm và tiếp tục tăng thêm 100 điểm từ 25.10, đưa lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm và lãi suất qua đêm lên 7%/năm.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc đua tăng lãi suất huy động với mức tăng rất mạnh. Đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-4%/năm cho các kỳ hạn dài. Kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2-3%/năm.
Đa số các ngân hàng áp dụng mức lãi suất các kỳ hạn dài từ 9%/năm trở lên như: VPBank, Techcombank, Sacombank, ABBank. Một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất thậm chí lên 12-13%/năm.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi VND bình quân trong tháng 10 của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,6-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,2-6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Ngày 5.12, Ngân hàng Nhà nước đã nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ước tính tổng hạn mức tín dụng theo dư địa cũ và mới lên tới 400.000 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm này đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay, với mức lãi suất giảm từ 0,5- 3,0%/năm, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm đến 3,5%/năm.
Song song với đó, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cuộc họp kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay mặc dù điều kiện trong nước và thế giới có nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh đó, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống nói chung, đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng.
Thời gian tới, các ngân hàng đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Những ngân hàng chưa cam kết thì khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản cam kết theo tinh thần kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng và công bố công khai cam kết giảm lãi suất của mình.
Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất; giảm lãi suất thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế…
“Các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại… Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn theo dõi sát hoạt động trên thị trường, có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Theo