Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam – VRES, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết gam màu trầm là chủ đạo khi thị trường bắt đầu suy giảm từ quý 2/2022.
Mức độ quan tâm và lượng giao dịch đều có xu hướng giảm do tác động của những thông tin không tích cực, như chủ đầu tư bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm, Fed lần đầu tiên tăng lãi suất sau 3 năm khiến nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, chủ tịch của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị bắt do sai phạm trái phiếu, Hà Nội siết chặt việc tách thửa đất, các công ty bất động sản cắt giảm lượng nhân sự lớn khi thị trường đi xuống…
Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc kinh doanh miền Bắc của Batdongsan.com.vn cho biết, về phân khúc căn hộ chung cư, mức độ quan tâm với loại hình chung cư giảm nhẹ so với đầu năm nhưng giá bán tăng ở phân khúc trung cấp. Trong đó, phân khúc trung cấp tăng mạnh nhất là 13%, cao cấp tăng 7% và bình dân tăng 2%. Thị trường chung cư vẫn thiếu hụt nguồn cung ở khu vực trung tâm.
Về loại hình nhà phố, ông Hảo cho biết mức độ quan tâm tăng mạnh ở quận trung tâm, giá bán bắt đầu đi ngang trong quý 4/2022. Ở Hà Nội, những quận trung tâm ghi nhận mức quan tâm tăng mạnh nhất là Ba Đình với 72%, Bắc Từ Liêm 54%, Thanh Xuân 52%… Biến động giá nhà phố cũng tăng 7% so với quý 1/2022.
Dự đoán về thời điểm ấm dần của thị trường, 35% nhà môi giới cho rằng đó sẽ là quý 3 và quý 4 năm 2023; 27% cho rằng là quý 2/2023; 16% cho là năm 2024; 17% cho là sau năm 2024 và 5% cho là quý 1/2023.
Chia sẻ về tín hiệu đảo chiều, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng cần quan sát từ năm 2007 – 2014 để xem thị trường vận động như thế nào. Năm 2007 là năm tín dụng được nới lỏng. Năm này, giá bất động sản tăng cao, giao dịch nhiều, lợi nhuận lớn – một trong những năm đỉnh cao của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, đến năm 2008, lạm phát tăng, lãi suất tăng cao, thanh khoản lao dốc, hàng tồn kho cao gấp 3 lần 2007 – một chỉ báo cho thấy thị trường rất khó khăn. Năm 2010, giá cả thị trường vẫn khá cao và năm 2011 có hiện tượng nhiều dự án bắt đầu phải bán. Năm 2012, trị giá hàng tồn kho tăng 85% so với cùng kỳ.
Đến năm 2013, ông Quốc Anh cho biết tín dụng được nới lỏng, room tín dụng tăng, có gói kích thích 30.000 tỉ đồng, hàng tồn kho giảm và thị trường có dấu hiệu phục hồi.
“Hãy chú ý thời điểm quý 2/2013, hàng tồn kho giảm sau 7 năm tăng liên tiếp”, ông Quốc Anh nói và cho biết nếu đối chiếu vào giai đoạn hiện tại thì lãi suất từ 2018 – 2022 khá ổn định, đến quý 2/2022 lãi suất tăng lên.
“Như vậy, phải từ quý 2/2024 mới xuất hiện tín hiệu đảo chiều, bởi sớm nhất thì đầu 2023, lãi suất mới có thể giảm”, ông Quốc Anh nhận định.
Chỉ báo tiếp theo là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, cần xem xét bối cảnh từ 2008 – 2014. Năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giảm, lạm phát lên tới 8%, đến 2013 thì tăng trưởng tín dụng từ 7% tăng lên 12% và lạm phát giảm còn khoảng 6%. Khi tín dụng được nới lỏng, thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều.
“Hiện nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá ổn định từ năm 2019 cho đến trước tháng 12.2022. Nếu tiếp tục nới lỏng tín dụng trong 2023 thì chúng ta thậm chí có thể chứng kiến tín hiệu đảo chiều trong năm 2023”, ông Quốc Anh nhận định.
Một chỉ báo nữa là chính sách. Ông Nguyễn Quốc Anh cho hay trong bối cảnh từ 2008 – 2014, năm 2011 có chủ trương hạn chế tín dụng vào khu vực phi sản xuất để tập trung cho khu vực sản xuất.
Theo đó, phải mất 2 năm sau, đến năm 2013 mới có chính sách hỗ trợ thị trường và nới lỏng tín dụng. Khi đó, room tín dụng được tăng lên, các tổ chức tín dụng được quyền quyết định tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực phi sản xuất, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và Luật Đất đai sửa đổi.
“Có sự tương đồng là đầu năm 2022 đã có quyết định tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất, hạn chế vốn vào khu vực rủi ro, sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, lập tổ công tác tháo gỡ thị trường bất động sản… Như vậy, không cần chờ đến 2 năm như giai đoạn trước, mà ngay trong năm này Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn của thị trường”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Tựu trung, chuyên gia này cho hay, với các yếu tố liên quan đến lãi suất, tín dụng và chính sách bất động sản, có thể hy vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng nhận định thị trường bất động sản phục hồi trong 3 năm tới là có cơ sở, bởi thế giới bắt đầu không tăng lãi suất, ít nhất là đến thời điểm năm nay, nên áp lực tỷ giá cũng bớt đi. Đồng thời, những vụ việc sai phạm đã và đang diễn ra thời gian qua đã cơ bản được xử lý và các nhà đầu tư đang lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo