Thành viên World Bank đang xem xét đầu tư 20 triệu USD vào liên doanh Hàn Quốc để mở rộng mạng lưới và gia tăng tỷ trọng thực phẩm tươi sống.
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) được mời đầu tư 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) để đổi lấy vốn cổ phần của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 Việt Nam. Khoản đầu tư này dùng để mở rộng mạng lưới điểm bán của GS25 trong giai đoạn 2022-2025.
IFC cho biết bắt đầu xem xét khoản đầu tư kể trên hồi tháng 2 và tháng 3. Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc phỏng vấn với quản lý cấp cao về nhân sự, kiểm soát chất lượng, xây dựng và vận hành.
Nguồn tin của DealStreetAsia cho biết, nhà bán lẻ này đang tìm cách chi khoảng 46 triệu USD để mở rộng mạng lưới điểm bán. Các chi phí cho kế hoạch này gồm xây dựng, thiết bị, dụng cụ, vật tư và tiền đặt cọc thuê mặt bằng. Khoản đầu tư dài hạn của IFC rất cần thiết đối với chuỗi cửa hàng tiện lợi trong giai đoạn tăng trưởng quan trọng và có thể giúp tăng cường tiềm lực tài chính và uy tín tín dụng của GS25 Việt Nam.
Bên cạnh đầu tư vốn cổ phần, IFC cũng tìm cách hỗ trợ tư vấn an toàn thực phẩm cho chuỗi cửa hàng tiện lợi này trong bối cảnh công ty đang chuẩn bị tăng tỷ trọng cung cấp thực phẩm tươi sống.
Công ty TNHH GS 25 là liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim (sở hữu 70%) và GS Retail (sở hữu 30%), vận hành hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình của Hàn Quốc, ra mắt tại Việt Nam năm 2017. Đến đầu tháng 11, hệ thống này có 200 cửa hàng tại TP HCM và các tỉnh lân cận.
Kế hoạch mở rộng của GS25 Việt Nam diễn ra khi các chuyên gia trong ngành dự đoán bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5,18 triệu tỷ đồng trong 11 tháng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng tăng gần 15% so với cùng kỳ 2019 – trước khi xảy ra Covid-19. Riêng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, cả nước có khoảng 674.000 điểm tính đến tháng 5.
Báo cáo mới đây của Colliers chỉ ra trong thời gian qua, mô hình nhượng quyền được xem là cách ưu việt và được các thương hiệu như GS25, WinMart+ áp dụng để nhân rộng số lượng cửa hàng. Lợi thế của chiến lược này là chi phí đầu tư vừa sức và tính linh hoạt cao. GS25 triển khai mô hình nhượng quyền từ tháng 11/2019. Mục tiêu ban đầu là đạt 300 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm nay và nâng lên con số hàng nghìn điểm vào năm 2029.
Tuy nhiên con số thực tế 200 cửa hàng tính đến đầu tháng 11 chưa thể dẫn đầu thị trường. Cirkle K đang sở hữu mạng lưới điểm bán nhiều hơn gấp đôi (với 413 cửa hàng). Dẫu vậy, thương hiệu này vẫn có mạng lưới rộng hơn FamilyMart (150 cửa hàng), Ministop (136 cửa hàng)…
Theo Tất Đạt/vnexpress.net