Ngày 6.12, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 bước vào ngày làm việc thứ 2. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 29-NQ/TW).
Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay.
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là từ Đại hội 12 trở lại đây đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết số 29, Đảng vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết số 29 là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 29 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045 là: “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết 29 nhấn mạnh cần đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thêm vào đó, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững.
Nghị quyết cũng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Theo