Mỹ đặt mục tiêu cung cấp NASAMS cho Ukraine trong vòng 3 – 6 tháng tới, sau đó sẽ bù đắp cho Trung Đông trong 24 tháng.
“Có nhiều hệ thống NASAMS được triển khai khắp Trung Đông, chúng ta cùng một số đồng minh NATO đang làm việc với các nước Trung Đông đang sử dụng NASAMS, cố chuyển chúng sang Ukraine. Chuyển số hệ thống từ Trung Đông sang nhanh hơn là chờ sản xuất ở Mỹ”, theo giám đốc Hayes. Sản xuất NASAMS mất đến 2 năm do mua sắm linh kiện điện tử cùng động cơ tên lửa cần nhiều thời gian.
Việc tái sắp xếp NASAMS cần được chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt. Lầu Năm Góc chưa bình luận gì về thông tin giám đốc Hayes đưa ra.
Ukraine kêu gọi Mỹ viện trợ NASAMS suốt nhiều tháng qua, nhưng phải đến đầu tháng 10 lúc Nga đẩy mạnh tấn công hạ tầng năng lượng thì Washinton mới quyết định gấp rút bàn giao hệ thống.
Hai hệ thống đầu tiên đã được giao vào đầu tháng 11. Ngày 30.11, quân đội Mỹ trao hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD để cung cấp 6 hệ thống nữa vào năm 2025.
Giám đốc Hayes từ chối nêu tên nước Trung Đông sẽ chuyển NASAMS cho Ukraine, nhưng hồ sơ của Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ cho thấy quốc gia từng mua hệ thống là Oman và Qatar. Không rõ hai nước sở hữu bao nhiêu.
Do sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM phiên bản phóng từ đất liền, tầm bắn của NASAMS vào khoảng 30km. Đây không phải hệ thống bảo vệ khu vực rộng lớn bởi NASAMS chỉ chuyên bảo vệ mục tiêu nhất định (mục tiêu quan trọng).
Hệ thống Mỹ viện trợ cho Ukraine dường như là biến thể NASAMS-2 dùng liên kết dữ liệu Link-16. Như vậy, hệ thống này không cần radar giám sát, có thể được điều khiển bay tới mục tiêu thông qua liên kết dữ liệu bởi máy bay giám sát hoạt động trên không.
Link-16 là mạng lưới liên kết dữ liệu thời gian thực nhỏ gọn được trang bị cho hầu hết máy bay Mỹ cùng đồng minh, cung cấp thông tin vị trí lực lượng ta và địch, dữ liệu tình huống chung, dữ liệu khí tài trên mặt đất lẫn trên không.
Do chỉ là hệ thống bảo vệ mục tiêu nên Ukraine sẽ cần rất nhiều hệ thống NASAMS.
Theo Cẩm Bình//1thegioi.vn