Những ngày qua, các loại rau xanh tăng giá 10-15%, thậm chí một số mặt hàng thủy hải sản tăng đến 30% so với tháng trước.
Chị Oanh, kế toán một công ty chuyên về hàng điện tử nhập khẩu ở quận 1, TP HCM cho biết khá đau đầu mỗi khi đi chợ vì thấy mặt hàng nào cũng tăng giá mạnh. Hiện các loại cá nuôi – món ăn quen thuộc của gia đình chị – đang tăng 25-30% so với tháng trước.
“Sáng nay, tôi mua con cá lóc một kg với giá 90.000 đồng, đắt hơn 20.000 đồng so với tuần rồi”, chị Oanh nói.
Ghi nhận của VnExpress tại các chợ truyền thống như Phạm Văn Hai (Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định (quận 1)… cho thấy không chỉ cá nuôi, các nhóm cá biển như cá bớp, cá hồi… cũng đang tăng giá khoảng 10.000 đồng một kg so với tháng trước, lên lần lượt 350.000 đồng và 600.000 đồng một kg.
Cô Hằng, tiểu thương bán cá ở chợ Xóm Mới (Gò Vấp), cho biết từ đầu năm đến nay, giá sỉ mặt hàng này đã tăng 3-4 lần và cuối tháng 11 tăng 5-25% khiến sức mua giảm mạnh.
Tương tự, các loại rau xanh như súp lơ, xà lách hiện cũng đắt thêm 5.000 đồng một kg lên 70.000 đồng. Hành lá, tía tô, húng quế tăng 10.000 đồng lên 75.000 đồng một kg…
Theo cô Huệ, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), sau đợt tăng này, giá các loại rau xanh đang xác lập mặt bằng mới cao nhất từ đầu năm đến nay. “Giá rau củ, gia vị tăng liên tục, tôi chỉ dám nhập hàng nhỏ giọt. Bởi nếu nhập nhiều bán không hết, chúng sẽ nhanh hỏng và nguy cơ âm vốn”, cô nói.
Với nhóm nước giải khát và bia, nhiều đại lý cũng đã điều chỉnh thêm 2.000-15.000 đồng một thùng bắt đầu từ 1/12. Riêng các mặt hàng khô và nhập khẩu, đại diện một hệ thống siêu thị ở TP HCM cho biết, đa phần doanh nghiệp xin điều chỉnh tăng giá cho giai đoạn ký hợp đồng mới…
Lý giải nguyên nhân giá hàng hóa lên mạnh dịp cuối năm, các đại lý bia, nước ngọt cho biết do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là tiền nhân công. Mấy năm trước, giá thuê một nhân viên vận chuyển, bán hàng dịp gần Tết chỉ 200.000-250.000 đồng một ngày, nay lên 300.000-350.000 đồng, chưa kể phát sinh thêm các chi phí thuê kho bãi chứa hàng…
Liên quan mặt hàng cá, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh), cho rằng nhu cầu sản xuất chế biến sản phẩm dịp Tết Nguyên đán cao khiến nguồn cung thiếu hụt. Trong khi đó, sản lượng cá lóc nuôi vào chu kỳ thu hoạch giảm 50-60%, đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh.
Riêng với nhóm rau, củ quả – ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (Củ Chi) – nhìn nhận có ba nguyên nhân chính khiến giá tăng cao.
Thứ nhất là do tháng 11 mưa kéo dài khiến gốc của các loại rau xanh bị thối gây hư hỏng nặng, sản lượng tại các hộ trồng giảm tới 70%, thậm chí nhiều hộ mất trắng. Ông dẫn chứng, tuần qua, tại vùng trồng của công ty, rau cải thìa, cải ngọt sản lượng giảm 80% do hư hỏng. Trong khi đó, tại hộ nông dân được bao tiêu, sản lượng cũng sụt giảm nghiêm trọng. “Trước đây, một ngày chúng tôi cung ứng cho thị trường TP HCM 2,5-3 tấn rau, nay chỉ 700 kg đến một tấn”, ông Hải nói.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Hải là chi phí đầu vào cho canh tác rau tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái đẩy giá thành lên mốc mới. Cuối cùng là sức mua trên thị trường sụt giảm khiến người trồng gặp khó khăn đầu ra nên họ đã giảm diện tích. Hơn nữa, mùa Tết, nhiều hộ chọn cách chuyển đổi từ trồng rau sang trồng hoa và cây kiểng khiến nguồn cung toàn thị trường giảm mạnh.
Ngoài các lý do trên, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản còn cho rằng việc lãi suất ngân hàng, USD đi lên làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nuôi trồng… gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước. Để tránh tình trạng giá hàng hóa tăng “sốc” dịp cận Tết Nguyên đán, đơn vị này đề nghị Cục trồng trọt – chăn nuôi – thủy sản rà soát lại các vùng nuôi trồng.
Cục cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước thời gian tới.
Theo Thi Hà/vnexpress.net