Mandrych cho biết hầu như tất cả 56 khu chung cư của thành phố đều bị hư hại hoặc phá hủy. 70% số ngôi nhà cũng không còn nguyên vẹn. Ban ngày, đường phố trở nên vắng lặng, cư dân chủ yếu dành thời gian dưới lòng đất hoặc gần các boong-ke. Họ chỉ “chui lên” để đi nhận viện trợ nhân đạo vào buổi sáng, trước 11h, khi các cuộc pháo kích lắng xuống.

Hiện thành phố không có điện, nước hay khí đốt, cũng không còn bệnh viện hay xe cứu thương hoạt động. Người dân phải nhờ quân đội đưa họ tới bệnh viện dã chiến nếu bị thương do tên lửa hay ngã bệnh.

Khung cảnh hoang tàn bên ngoài tòa thị chính thành phố Orikhiv. Ảnh: Washington Post.

Khung cảnh bên ngoài tòa thị chính thành phố Orikhiv. Ảnh: Washington Post.

Thành phố liên tục hứng chịu những trận pháo kích của lực lượng Nga. Cư dân địa phương cho biết tên lửa tuần trước bắn trúng một trường học nơi 10 người đang đóng gói nông sản để phân phát cứu trợ, khiến một nạn nhân thiệt mạng và một người bị thương nặng.

Một số người hy vọng quân đội Ukraine sẽ phát động đợt phản công lớn tiếp theo tại đây, tiến về phía nam qua khu vực Zaporizhzhia. Nhưng sau khi thành phố Kherson được giải phóng, các nhà phân tích cho rằng Ukraine chưa thể thực hiện mục tiêu này trong tương lai gần. Quân đội Nga đã củng cố phòng tuyến và địa hình lầy lội đang làm chậm đáng kể đà tiến công của các đơn vị Ukraine.

“Chúng tôi đang chờ một cuộc phản công”, Mandrych nói. “Chúng tôi ước rằng điều đó sẽ xảy ra sớm”.

Mandrych và nhóm trợ lý của bà đã cố gắng cung cấp 600 lò sưởi bằng củi cho cư dân và đã đặt hàng thêm 350 chiếc nữa, nhưng con số đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Họ ước tính cần 1.300 thiết bị như vậy để sưởi ấm cho tất cả hộ gia đình còn bám trụ lại thành phố. Bà lo lắng nhiều người sẽ bị bỏ quên, đặc biệt là những cư dân ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh.

“Tôi sợ quên mất họ và không quan tâm đúng mức tới họ”, bà chia sẻ. “Với mùa đông lạnh giá ở phía trước, họ có thể không vượt qua được”.

Sáng 28/11, Mandrych phải xử lý rất nhiều việc cùng lúc. Một phụ nữ đến gặp bà với danh sách những người dân đang cần hỗ trợ thực phẩm. Một người khác cho bà xem danh sách những người cần chăn. Một người đàn ông hỏi bà làm cách nào để chuyển tiền trợ cấp cho cư dân.

Còn quá ít người ở lại để phục vụ thành phố, nên Mandrych phải nghĩ ra các giải pháp sáng tạo. Một người bảo vệ tòa thị chính trước đây giờ trở thành thư ký. Một tài xế cho hội đồng thành phố nay nhận trách nhiệm giao hàng viện trợ nhân đạo. Chiếc xe công của văn phòng thị trưởng đã bị trúng bom, vì vậy người tài xế phải sử dụng xe riêng của mình.

Cuộc sống hàng ngày của Orikhiv phụ thuộc vào những chỉ đạo cũng như rất nhiều công việc đổ dồn lên vai Mandrych. Bà chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm. Ở nhà, bà cùng chồng và con trai cũng sống dưới tầng hầm.

“Thật may là mẹ đã dạy tôi phải biết rắn rỏi”, bà nói. “Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi sau khi giành chiến thắng cuối cùng”.

Lớn lên mà không có bố, Mandrych đã dành cả cuộc đời ở Orikhiv, học tại ngôi trường giờ đã bị phá hủy của thành phố và làm việc cho chính quyền từ năm 17 tuổi.

Những người lính Ukraine đóng quân gần đó gọi bà là “thiên thần”. Khi cuộc xung đột mới nổ ra, bà đang tham gia xây dựng hàng rào bê tông ở ngoại ô thành phố thì đạn pháo bất ngờ trút xuống. Một người lính hét lên: “Thiên thần, nằm xuống!”. Sau đó, họ hỏi bà có sợ không. Mandrych lắc đầu.

Các cuộc pháo kích ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn, người dân cho hay. Một người đàn ông đang xếp hàng chờ bên ngoài boong-ke bên dưới tòa thị chính để báo cáo thiệt hại với ngôi nhà của mình. Ông là Oleksii Belik, 67 tuổi, kỹ sư nghỉ hưu, người đã đơn độc trở về Orikhiv sau khi sơ tán cùng vợ trước đó.

Dòng người xếp hàng bên ngoài văn phòng boong-ke của thị trưởng Mandrych hôm 28/11. Ảnh: Washington Post.

Dòng người xếp hàng bên ngoài “văn phòng boong-ke” của thị trưởng Mandrych hôm 28/11. Ảnh: Washington Post.

Belik cho biết ông quay lại để bảo vệ tài sản của mình. Nhà ông không có hầm tránh bom đủ vững chắc, trần tầng hầm chỉ dày khoảng 2,5 cm. Ông kể rằng đã mang một chiếc ghế dài xuống đó để ngủ, nhưng nó bị mốc sau hai ngày vì quá ẩm ướt. Vì vậy, ông phải trở lại sống trên lầu, nơi cửa sổ bị phá tung và lò sưởi do thành phố cung cấp chỉ đủ cho một căn phòng.

Không có điện để xem tivi, nhưng Belik cho biết ông thường nghe tin tức trên sóng phát thanh. Sau khi nghe tin thành phố Kherson được giải phóng, niềm hy vọng trong ông lại bừng sáng, Belik nói.

“Chúng tôi chỉ có thể sống bằng niềm hy vọng”, ông cho hay.

Xếp hàng trước Belik là Eleonora Syzonenko, 44 tuổi. Bà đến để nhờ chính quyền thành phố hỗ trợ sửa cửa sổ, cửa ra vào và mái nhà. Nhưng công việc này đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ và Syzonenko tỏ ra thất vọng với quy trình làm việc hỗn loạn tại tòa thị chính.

Vì thế, giống như nhiều người khác, bà tìm đến quyền Thị trưởng Mandrych.

“Chúng tôi không có đại diện khu phố, không nhận được thông tin về hàng viện trợ và thời điểm hàng sẽ được chuyển đến”, bà phàn nàn. “Hiện giờ, tôi muốn đi lấy thêm nước, nhưng khu phố của tôi không có người phụ trách, nên tôi không biết phải làm thế nào”.

“Đơn giản, chỉ cần lên danh sách và tới điểm lấy nước”, Mandrych trả lời, giải thích quy trình cho Syzonenko.

Người phụ nữ cảm ơn Mandrych. Trên đường quay về, Syzonenko nói: “Những người này rất tốt. Họ giúp chúng tôi mọi thứ. Vì thế, rất nhiều người tìm đến đây”.

Khi Syzonenko quay lại xếp hàng với yêu cầu khác của mình, đám đông đã thưa dần. Cư dân đang trở về nhà khi sắp đến 11h, thời điểm quân đội Nga thường bắt đầu pháo kích. Nữ thị trưởng lắng nghe những âm thanh trên bầu trời, hy vọng thành phố của bà sẽ có một buổi chiều yên bình.

Theo Vũ Hoàng (Theo Washington Post)Vnexpress.net