Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 27.11, Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND TP.HCM về phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công…

Trước đó, trong ngày 26.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành, 8 địa phương để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ ra vùng Đông Nam Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết. Thủ tướng chỉ ra những điểm mâu thuẫn lớn nhất của vùng, đó là tiềm năng của vùng rất lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp.

Kết nối hạ tầng chiến lược đồng bộ chưa đầy đủ, toàn diện và hiệu quả; huy động nguồn lực của vùng chủ yếu dựa vào nhà nước, chưa huy động, phát huy được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, lợi thế, với yêu cầu phát triển của vùng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ ngành Trung ương và các địa phương, đối tác, doanh nghiệp “đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải đạt hiệu quả”. Đồng thời, các bên thực hiện hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp với phương châm “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ”.

img2649-1669446035887890493755.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngày 26.11 – Ảnh: P.V

UBND TP.HCM cho biết, năm 2022 các lĩnh vực kinh tế của thành phố có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỉ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao.

Trong 19 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2022 theo Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND TP.HCM về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 3/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.

Trong năm 2022, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỉ đồng.

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước TP cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP đã giải ngân đến ngày 31.10 là 11.418,639 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31.1.2023), TP dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Lý giải việc giải ngân chậm, TP.HCM cho biết COVID-19 khiến quá trình chuẩn bị đầu tư thời gian qua bị ngưng trệ. Chưa kể xung đột chính trị, quân sự trên thế giới dẫn đến lạm phát, giá nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị tăng ảnh hưởng việc thành phố thực hiện dự án. Thành phố cũng gặp nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình khi thực hiện dự án đầu tư công; khó khăn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án…

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND TP đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 26.4.2022, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của TP.

Được biết, trong tuần qua, UBND thành phố đã làm việc với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải để bàn nội dung cho nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Nhiều quy định mới trong nghị quyết này được kỳ vọng sẽ phân quyền mạnh hơn cho thành phố, giúp đẩy nhanh tiến độ và gỡ vướng cho các dự án kéo dài nhiều năm.

Trước đó, trong phiên họp hồi tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Thường trực Chính phủ lên kế hoạch làm việc với TP.HCM ít nhất mỗi quý một lần để rà soát công việc. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ được giao lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho thành phố do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan.

Theo Tú Viên/1thegioi.vn

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *