10 ứng viên đứng trên sân khấu trình bày kế hoạch khắc phục tình hình đất nước cũng như tình hình đảng. Nội dung kế hoạch khác nhau, nhưng hầu hết đều mang lại cảm giác thách thức hiếm thấy kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump nắm quyền kiểm soát đảng Cộng hòa 6 năm trước. Tất cả đều truyền đi thông điệp: ông Trump có thể và nên bị đánh bại.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (giữ chức dưới thời ông Trump) vào tháng 4 từng cam kết không thách thức cựu tổng thống nếu ông ấy tranh cử. Nhưng trước hàng trăm đảng viện Cộng hòa cổ vũ ngày 19.11, bà tuyên bố “dành 1.000%” khả năng để chạy đua làm chủ Nhà Trắng.
Trong lúc các nhà tài trợ và nhà hoạt động tham dự cuộc họp cuối tuần vỗ tay tán thưởng, người vui nhất có lẽ chính là cựu Tổng thống Trump. Đội ngũ của ông tin rằng số người được đảng Cộng hòa khuyến khích tranh cử đã vô tình tạo ra điều kiện từng giúp cựu Tổng thống Trump thành công năm 2016.
Năm đó, quá nhiều ứng viên đã chia rẽ cử tri tham gia bầu cử sơ bộ và cho phép cựu Tổng thống Trump trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử. Ông từng chỉ nhận được khoảng 35% trong 3 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên.
Tình hình hiện tại có nhiều điểm tương đồng với năm 2016 một cách kỳ lạ: cựu Tổng thống Trump hứng chịu nghị ngờ trong nội bộ đảng, vị thế suy yếu đáng kể vì loạt nhân vật ông ủng hộ có kết quả thất vọng tại cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ. Không ít đảng viên Cộng hòa sẵn sàng cạnh tranh với cựu Tổng thống Trump.
Nhà tài trợ Eric Levine (ở New York) kêu gọi đảng Cộng hòa không chấp nhận nhiều hơn 2 hoặc 3 ứng viên, và nên khẩn trương rút gọn danh sách: “Tôi không nghĩ chúng ta có nhiều thời gian chờ đợi. Nếu ông Trump trở thành đại diện của đảng Cộng hòa, đảng sẽ bị hủy diệt”.
Cảnh báo trên chưa được lắng nghe. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người được đánh giá là đối thủ lớn nhất của cựu Tổng thống Trump, không định tham gia cuộc đua trước cuối mùa xuân. Các ứng viên khác cũng cho biết sẽ đợi đến mùa xuân hoặc mùa hè năm sau mới đưa ra quyết định cuối cùng, mặc dù cựu Tổng thống Trump đã thông báo tranh cử vào tuần trước.
Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu nhận định thông báo tranh cử sớm không tạo cảm giác cấp bách mà chỉ phản ánh vị thế chính trị của cựu Tổng thống Trump đang suy yếu.
Thống đốc bang Maryland Larry Hogan tuyên bố còn quá sớm để lo lắng chuyện sàng lọc ứng viên: “Tôi nghĩ sẽ có nhiều tiếng nói hơn, nhiều lựa chọn tiềm năng hơn. Trump cần được thử thách. Mọi người cần sẵn sàng đứng lên chống lại ông ấy”.
Cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, từng thất bại năm 2016, dự đoán sẽ có 7 – 8 ứng viên tham gia cuộc đua nên vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, không đông đến 16 ứng viên như 6 năm trước.
Ban đầu đội ngũ cố vấn của cựu Tổng thống Trump hy vọng thông báo tranh cử sớm giúp loại bỏ bớt đối thủ. Nhưng giờ đây họ tin rằng nhiều đối thủ sẽ chia rẽ số phiếu chống lại ông, giống như năm 2016.
Cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa tại New Hampshire Jennifer Horn nhận định số ứng viên ngày càng tăng đang “nuôi dưỡng” điều kiện mà cựu Tổng thống Trump cần để giành chiến thắng. Cuộc tranh luận sơ bộ đầu tiên dự kiến diễn ra vào 9 tháng sau.
Theo