Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý. Sở KH-CN tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết sản phẩm “xoài tứ quý Bến Tre” được thị trường trong nước ưa chuộng. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xoài tứ quý Bến Tre được tiêu dùng dưới dạng quả xanh, và hơn 2/3 sản lượng được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội dưới dạng quả chín.
Xoài tứ quý Bến Tre có thịt trái giòn, ít xơ, vị ngọt chua, xen lẫn vị mặn nhẹ và mùi thơm nhẹ. Khi xoài chín, thịt trái xoài tứ quý Bến Tre chắc (độ chắc ở mức 20,2 – 21,1 N), ít xơ, có vị ngọt đậm và mặn nhẹ. Ngoài ra, xoài tứ quý Bến Tre chín còn có mùi thơm mạnh, hơi nồng và hàm lượng sodium (Na) ở mức 1,58 – 2,02%.
Xoài tứ quý được biết đến là một giống xoài đặc biệt, cho trái quanh năm. Trên cây cùng một thời điểm có cả quả già, quả non, hoa và lộc nên người trồng xoài tứ quý tại Bến Tre sử dụng phương pháp bao trái bằng túi vải từ lúc quả còn rất nhỏ (bằng ngón chân cái) với nhiều màu sắc khác nhau để phân biệt độ tuổi của trái. Vì vậy, quả có màu sắc đẹp, và ít bị ảnh hưởng bởi các loại sâu bệnh hại, hạn chế các khuyết tật trên quả.
Ngoài ra, việc bao bọc trái cũng giúp người nông dân thu hoạch đúng thời điểm. Túi vải bao trái có màu sắc khác nhau để nhận biết tình trạng sinh trưởng của từng trái. Trong một đợt thu hoạch, chỉ thu hoạch những quả được bao túi cùng màu.
Như vậy, trái xoài tứ quý Bến Tre khi được thu hoạch đảm bảo độ chín và đồng đều. Lúc thu hoạch, cuống trái được để dài từ 5-10cm nhằm tránh bị chảy nhựa, giúp tăng giá trị thương phẩm.
Khu vực chỉ dẫn địa lý ở Bến Tre gồm các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thới thuộc huyện Bình Đại; xã Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri.
Theo