Kiến trúc sư Du Khổng Kiên đánh giá phần lớn cơ sở hạ tầng hiện đại của châu Á được xây dựng dựa trên ý tưởng du nhập từ châu Âu vốn không phù hợp với khí hậu gió mùa tại chỗ. Ông nêu dẫn chứng là vài trận lũ tàn phá nhiều thành phố châu Á gần đây do sự không phù hợp về kiến trúc này.
“Chẳng có khả năng phục hồi gì cả. Những thứ đó là vô dụng, chúng sẽ tiếp tục thất bại mà thôi”, kiến trúc sư Du nói về hạ tầng bằng bê tông và thép, cũng như hệ thống ống cùng kênh dẫn nước lắp đặt tại các thành phố lớn.
Thay vào đó ông đề xuất dùng vật liệu tự nhiên – hay “hạ tầng xanh” – xây dựng nên thành phố chống chịu tốt hơn với nước. Bằng cách tạo ra không gian chứa nước lớn ngay trong đô thị như công viên hay ao hồ, nước mưa có thể được giữ lại giúp ngăn ngừa lũ lụt. Nước sẽ thấm xuống đất bổ sung cho nguồn nước ngầm cần thiết cho lúc hạn hán.
“Ý tưởng “thành phố bọt biển” là phục hồi, tạo thêm không gian cho nước”, theo kiến trúc sư Du.
Nhận thức về biến đổi khí hậu và thích ứng đô thị của Trung Quốc đón nhận một bước ngoặt vào 10 năm trước. Thủ đô Bắc Kinh vào tháng 7.2012 hứng chịu một trận lụt kinh hoàng. Đợt mưa lớn nhất trong 61 năm làm ngập hệ thống thoát nước lẫn lối lưu thông ngầm, gây lũ quét ở vùng ngoại ô. Ít nhất 77 người thiệt mạng.
Thời điểm đó kiến trúc sư Du gửi thư cho Bí thư thành ủy Bắc Kinh cùng nhiều quan chức cấp cao khác kêu gọi thay đổi cách quy hoạch đô thị.
Tại một cuộc họp chính phủ năm 2013, Trung Quốc đưa ý tưởng “thành phố bọt biển” vào chiến lược quốc gia. Sang năm 2014 giới chức nước này đặt ra mục tiêu: đến năm 2020 tái sử dụng được 70% lượng nước mưa đổ xuống 20% khu vực đô thị, năm 2030 tái sử dụng 70% lượng nước mưa đổ xuống 80% khu vực đô thị.
Năm 2015 Trung Quốc triển khai 16 dự án “thành phố bọt biển” thí điểm, sang năm 2016 có thêm 14 dự án. Giới chức nước này trao 600 triệu Nhân dân tệ (83 triệu USD) mỗi năm – trong 3 năm – cho thành phố trực thuộc trung ương, 500 triệu cho thủ phủ cấp tỉnh, 400 triệu cho thành phố loại khác.
Mệnh lệnh từ trung ương cùng khoản trợ cấp khổng lồ thúc đẩy hàng loạt hạ tầng giữ nước mọc lên ở các thành phố trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều thành phố trên thế giới cũng đang cố gắng xây “rãnh dẫn nước sinh học” dọc hai bên đường, bảo vệ khu vực đầm lầy hấp thụ nước còn sót lại, tăng khả năng thu nước mưa trên mái nhà.
Thành phố Nam Xương miền nam Trung Quốc là một trong số các dự án thí điểm. Giữa tháng 10 vừa qua, một công viên rộng hơn 500 mét vuông mang tên Ngư Vỹ được hoàn thiện.
Ngư Vỹ nằm ở vùng trũng thấp của thành phố, phục vụ công tác điều tiết nước cho khu dân cư cùng các khu thương mại xung quanh. Hạ tầng trong công viên đều có khả năng hấp thụ nước mưa. Đến lúc khô hạn thì nước được lấy ra làm sạch để sử dụng.
Kỹ sư Phương Dương (công ty thiết kế quy hoạch đô thị Thổ Nhân – đơn vị phụ trách xây dựng Ngư Vỹ) cho biết công viên đóng vài trò “hồ cá sinh thái” giữ lại đến 1 triệu mét khối nước khi lũ lụt xảy ra, như vậy nước có thể được tái sử dụng thay vì chỉ xả ra cống. Ngư Vỹ cũng là môi trường sống cho động thực vật khi hiện tượng thời tiết cực đoan – chẳng hạn như hạn hán – ập đến.
“Thành phố bọt biển” có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Nước này năm nay hứng chịu cả lũ lụt lẫn hạn hán.
Đợt hạn hán bắt đầu từ tháng 7 khiến mực nước hồ Bà Dương (hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc) giảm xuống mức kỷ lục. Người dân làng Đường Đầu gần hồ vài tháng nay sống trong cảnh không có mưa, hoa màu chết vì thiếu nước.
Theo