Ở lần đối thoại tháng 3.2021, quan chức Mỹ – Trung khẩu chiến dữ dội, phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế đang chìm trong chiến tranh thương mại.
Kể từ đó quan hệ ngày càng xấu đi, đặc biệt sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sang thăm Đài Loan vào tháng 8 năm nay. Vì vậy mà cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với Chủ tịch Tập tại Bali ngày 14.11 không được kỳ vọng cao.
Nhưng cuộc gặp lại gây bất ngờ với hình ảnh đội ngũ quan chức tươi cười và bắt tay nhau, cùng cam kết mở lại các đường dây liên lạc để hai bên trao đổi vấn đề cấp bách toàn cầu. Ngoại trưởng Antony Blinken – người đấu khẩu với phái đoàn ngoại giao Trung Quốc ở lần đối thoại tháng 3.2021 – dự định công du quốc gia châu Á này vào năm tới.
Giới phân tích nhận định cuộc gặp có thể đặt nền móng cho quan hệ bền chặt hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên lập tức đem lại tác động tích cực: thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hồng Kông trở nên sôi động, giá trị cổ phiếu các “ông lớn” công nghệ như Alibaba hay Tencent vào ngày 15.11 đều tăng vọt.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Biden cam kết duy trì quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Chủ tịch Tập cũng ra tuyên bố khẳng định hai nước nên ngăn chặn đối đầu và xung đột, duy trì đối thoại trên cơ sở hiểu biết chung.
Nhà phân tích Neil Thomas (công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group) cho biết mục tiêu của cuộc gặp là xây dựng nền tảng chống đỡ cho mối quan hệ đang xuống dốc. “Cuộc gặp đã đáp ứng hoặc vượt quá kỳ vọng thấp mà chính quyền Tổng thống Biden đặt ra, là tín hiệu tích cực nhẹ với sự ổn định toàn cầu”, theo nhà phân tích Thomas.
Chuyên gia chiến lược ngoại hối châu Á Ken Cheung (Ngân hàng Mizuho) đánh giá: “Mặc dù không có kết quả rõ ràng nhưng việc nối lại đối thoại trực tiếp báo hiệu căng thẳng Mỹ – Trung hạ nhiệt, cho thấy quan hệ song phương sau đại hội đảng tại Trung Quốc và bầu cử quốc hội giữa kỳ tại Mỹ sẽ diễn tiến tốt”.
Tác động kinh tế tích cực
Giới đầu tư đón nhận thông điệp từ cuộc gặp rất tích cực. Chỉ số Hangsen (Hồng Kông) ngày 15.11 tăng gần 4%, tiếp tục đà tăng 2 ngày trước đó nhờ Trung Quốc nới lỏng chính sách nhập cảnh và triển khai gói cứu trợ ngành bất động sản.
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc – vốn ảm đạm vì hứng chịu đợt chấn chỉnh hoạt động trong nước và căng thẳng địa chính trị ở nước ngoài – chứng kiến phiên tăng vọt: cổ phiếu Alibaba tăng 11%, Tencent tăng 10%.
Chỉ số Shanghai Composite cùng Shenzhen Component cũng lần lượt tăng 1,6% và 2,1%.
Theo đội ngũ phân tích tập đoàn tài chính ING, “giọng điệu mang tính xây dựng gây bất ngờ” của cuộc gặp ngày 14.11 đã thúc đẩy thị trường. Họ đánh giá cao phát ngôn tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc” của Tổng thống Biden và tuyên bố phản đối Nga dùng vũ khí hạt nhân của Chủ tịch Tập.
Diễn biến đáng ngạc nhiên nhất là kế hoạch công du Trung Quốc năm tới của Ngoại trưởng Blinken, điều vượt quá mong đợi của đội ngũ phân tích ING.
Theo