Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý 3/2022 đạt gần 214 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 557 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ. Quý 3/2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất 53% so với 2 quý trước đó (tăng lần lượt 35% và 24%).
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý 3/2022 ghi nhận tăng trưởng cao trong cả 3 tháng của quý, nhất là tháng 8 ghi nhận tăng trưởng mạnh 82%. Cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải chịu nhiều tác động bởi các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19. Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng cao trong năm nay cũng có tác động từ các yếu tố như: giá vận chuyển tăng cộng với biến động tỷ giá.
Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực chiếm 56,4%, còn lại bạch tuộc chiếm 43,6%. 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu mực tăng 49% trong khi bạch tuộc tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá xuất khẩu các sản phẩm mực đều tăng trong đó mực khô/nướng và mực sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 44% và 47%. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu mực chế biến tăng mạnh nhất 89% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu bạch tuộc chế biến và bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 43% và 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến có xu hướng tăng mạnh. Dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc nên vẫn có tác động tới nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc trên thế giới. Theo đó, nhu cầu vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh…
9 tháng từ đầu năm 2022, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 61 thị trường, so với 59 thị trường cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường chính đều tăng. Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam 9 tháng, tỷ trọng thị trường CPTPP, Trung Quốc và EU tăng trong khi tỷ trọng thị trường Hàn Quốc và Thái Lan giảm.
Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu mực hàng đầu trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36% tổng trị giá xuất khẩu. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt trên 197 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh…
VASEP cho biết trong 9 tháng các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Cuộc chiến Nga – Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu không thể ra khơi.
Ngoài ra, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc của nước ta. Lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng vọt ở các thị trường nhập khẩu chính cũng tác động không tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Theo