Nhiều đoạn phim về thảm kịch Itaewon ghi lại cảnh không chỉ nhân viên cứu hộ mà cả dân thường cũng thực hiện CPR cho nạn nhân nằm trên đường. Người tham gia chia sẻ trải nghiệm của mình trên mạng xã hội, nhờ vậy mà mọi người thấy được tầm quan trọng của hồi sức tim phổi.
Một nhân viên văn phòng họ Bae cho biết: “Nếu có nhiều người biết cách thực hiện CPR ở hiện trường hơn thì số người chết sẽ giảm. Sau vụ việc, tôi quyết định học CPR”.
Một nhân viên văn phòng khác họ Lee cũng dự định học: “Tôi biết CPR quan trọng nhưng chưa có cơ hội học. Nếu như có mặt ở hiện trường và biết CPR, tôi đã có thể cứu sống nhiều người”.
Các tổ chức cộng đồng mở lớp đào tạo sơ cứu ghi nhận nhu cầu học của người dân tăng mạnh. Một quan chức Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cho biết: “Sau thảm kịch Itaewon, nhu cầu đào tạo ở trụ sở chính cùng văn phòng chi nhánh ở Seoul của chúng tôi tăng hơn gấp 2 lần”.
Số lượt truy cập trang web Hiệp hội Hồi sức tim phổi Hàn Quốc tăng gấp 4 lần. Một nhân sự cấp cao của hiệp hội nhấn mạnh phải dạy CPR trong trường học và cho dân chúng: “Thực hiện CPR ngay khi ngừng tim có thể giúp bệnh nhân tăng cơ hội sống sót lên 3 lần”.
CPR là quy trình cấp cứu kết hợp giữa ép tim trong lồng ngực với thông khí nhân tạo, được sử dụng để cứu sống người ngừng thở hoặc tim ngừng đập.
Phần quan trọng của CPR là ép tim trong lồng ngực, giữ cho máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể cho đến khi nhịp tim trở lại bình thường hoặc khi có phương tiện hỗ trợ tim mạch chuyên biệt đến nơi. Thông khí nhân tạo đảm bảo cung cấp nhiều oxy hơn cho người bị ngừng tim, hoặc khi bệnh nhân bị suy hô hấp.
Theo