Cửa hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… nhiều ngày qua diễn ra tình trạng khan hiếm xăng, chỉ bán dầu.
Trên quốc lộ 61C, đoạn qua quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cửa hàng Dương Hùng treo biển “hết xăng còn dầu”. Chưa đầy 10 phút, nhân viên cửa hàng phải từ chối hàng chục lượt khách đi xe máy vào đổ xăng.
“Đến 10h ngày 28/10 là hết xăng, chỉ còn dầu. Tôi nghe báo lại phải mấy ngày nữa mới có”, anh Nguyễn Thanh Tâm, nhân viên cây xăng, nói.
Đoạn quốc lộ 61C dài hơn 40 km từ Cần Thơ về TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có hàng loạt cửa hàng không còn xăng, chỉ bán dầu. Ông Nguyễn Văn Năm nhà ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ phản ánh, sáng 29/10, phải chạy hơn 10 km, đi tới cửa hàng thứ ba mới đổ được 300.000 đồng xăng cho ôtô.
Ba cửa hàng xăng dầu của gia đình bà Dương Kim Em mỗi tháng cam kết sản lượng với hai đơn vị đầu mối gần 500 m3 xăng dầu. Gần đây, sản lượng xăng dầu nhập không đồng đều, nhiều lúc chỉ nhập được dầu, không có xăng. Tuần vừa qua, bà cho biết, một đầu mối thông báo hết hàng mà không nói cụ thể thời gian có hàng trở lại.
Để vận hành ba cửa hàng, bà Kim Em nói đang phải gánh khoản lỗ hơn 300 triệu đồng mỗi tháng. “Tôi muốn nghỉ buôn bán lắm, nhưng không được phép. Các trụ bơm buộc phải sáng đèn ngày đêm”, bà nói.
Chủ một doanh nghiệp có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Cần Thơ cho biết bình quân cửa hàng tiệu thụ 70-80% là xăng nhưng hơn một tuần qua, nguồn xăng rất nhỏ giọt trong khi dầu không thiếu.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Thiên Bình, chủ của sáu cửa hàng xăng dầu ở huyện Long Phú, cho biết hai ngày qua một số cửa hàng phải treo biển hết xăng vì hàng nhập chậm, số lượng rất ít.
“Nguồn cung không ổn định, chiết khấu thấp, tình hình này còn kéo dài, chắc tôi phải tính đến chuyện nghỉ kinh doanh”, anh nói.
Tỉnh Cà Mau cũng đang xảy ra thực trạng thiếu nguồn cung xăng cục bộ. Nhiều trạm bán lẻ xăng dầu ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ.
Tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, ngày 29/10, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo bảng hết xăng. Cửa hàng Thanh Châu ở thị trấn Sông Đốc hai ngày qua tiếp tục thông báo chỉ bán dầu.
UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, cả 5 cửa hàng xăng dầu tư nhân trên địa bàn đều hoạt động cầm chừng hơn nửa tháng nay. Tình trạng các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn còn diễn ra rải rác ở các khu vực khác của tỉnh Cà Mau.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, nguyên nhân cũng đến từ thiếu nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Đặc biệt, trong quy định hiện nay cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ có thể đăng ký lấy hàng từ một đầu mối phân phối, khi đứt gãy nguồn cung, họ không thể đổi sangnơi khác nên xảy ra thiếu nguồn cung cục bộ.
“Sở đang cùng với các huyện thống kê lại nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của từng địa phương. Đặc biệt, các địa phương phải quan tâm tới nhu cầu nhiên liệu dùng cho sản xuất, kinh doanh và đánh bắt hải sản. Sau đó, Sở sẽ làm việc lại với các đơn vị phân phối”, ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết có tình trạng thiếu xăng cục bộ trên địa bàn tỉnh. “Có khoảng 20-30 cửa hàng thiếu xăng dầu xoay vòng do không nhập được hàng. Tuần tới, Sở sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối để tháo gỡ vấn đề này”, ông Trường nói.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, những ngày gần đây nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không mua được hàng. Nhiều lúc, toàn tỉnh có hơn 40/431 cửa hàng hết nhiên liệu (đa số hết xăng). Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết các đơn vị này đã đặt thương nhân cung ứng nhưng chưa được cấp hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.
Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết đã kiến nghị Bộ Công Thương cung cấp khoảng 75.000 m3 xăng dầu xăng dầu cho địa phương từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán 2023.
Theo Nguyên Anh – An Minh/Vnexpress.net