Thiếu nhà lưu trú cho công nhân

Nhà cho công nhân thuê thiếu hụt nhưng doanh nghiệp muốn đầu tư, xây dựng lại khó đủ đường là nghịch lý tồn tại nhiều năm qua.

Chị Bùi Thị Bé Loan, 34 tuổi, có thâm niên 10 năm làm tại Công ty TNHH Freetrend II (TP Thủ Đức). Ba năm trước, vợ chồng chị thuê phòng trọ hơn chục m2 ở khu vực giáp ranh Bình Dương với giá 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, từ khi có con, căn phòng “hộp diêm” không phù hợp. Hết 6 tháng thai sản, chị trở lại xưởng, bà ngoại từ Bến Tre lên chăm cháu, phòng trọ càng trở nên bức bí.

Căn hộ 35 m2 trong Khu lưu trú công nhân của gia đình chị Bé Loan. Ảnh: Lê Tuyết

Căn hộ 35 m2 trong Khu lưu trú công nhân của gia đình chị Bé Loan. Ảnh: Lê Tuyết

Cách đây hai năm, được đồng nghiệp chỉ dẫn, chị tìm đến nhà lưu trú xây trong Khu chế xuất Linh Trung II, cách chỗ làm tầm một km, đăng ký phòng ở. Hơn tháng sau, nữ công nhân thuê được phòng 35 m2, giá cao hơn chỗ cũ gần một triệu đồng, nhưng rộng gấp ba lần, có ban công, nhà vệ sinh khép kín… Khu lưu trú có nhà mẫu giáo với phí gửi trẻ 1,8 triệu đồng mỗi tháng, giữ cả thứ 7 và theo thời gian tăng ca của công nhân. Với thu nhập mỗi tháng của vợ chồng hơn 20 triệu đồng, tiền nhà và gửi con hết 4 triệu đồng, chị vẫn còn tiền để dành.

Nhà lưu trú công nhân nơi gia đình chị Loan thuê do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát xây dựng có 368 căn hộ, diện tích mỗi căn từ 35-38 m2, với hơn 1.000 công nhân sinh sống. Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Thiên Phát, nói sau gần 7 năm hoạt động, khu nhà ở luôn kín chỗ. Doanh nghiệp muốn xây thêm để đáp ứng nhu cầu nhưng rất khó. Công ty có khu đất đối diện khu lưu trú hiện hữu, thời hạn thuê 50 năm, có thể xây 500 căn, sau 14 năm khởi động mới được triển khai.

Để có được lễ động thổ vào tháng 4 năm nay, Công ty Thiên Phát trải qua nhiều thủ tục, chứng minh các điều kiện với cơ quan chức năng. Theo quy định, nhà ở cho công nhân thuê thuộc nhà ở xã hội, được tăng 1,5 lần các chỉ tiêu so với quy hoạch chung của khu vực. Doanh nghiệp đã thiết kế đúng chỉ tiêu, nhưng đến phút chót, cơ quan chức năng yêu cầu phải làm đúng quy hoạch 1/2000 của Khu chế xuất Linh Trung II. Lý do, dự án xây trên đất thương mại, dịch vụ nên không được hưởng những tiêu chuẩn nhà ở xã hội.

Theo ông Lợi, nếu dự án này được hưởng những chính sách của nhà ở xã hội, giá thuê sẽ giảm phân nửa so với nhà cho thuê thông thường. Tuy nhiên, những kiến nghị của chủ đầu tư để công nhân được hưởng giá thuê thấp hơn đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo Thiên Phát nói rằng đem 200 tỷ đồng gửi ngân hàng mỗi tháng lời một tỷ đồng không cần làm gì, trong khi đầu tư nhà lưu trú, mỗi tháng công ty lợi nhuận 200 triệu đồng mà gặp quá nhiều khó khăn.

Sau động thổ hồi tháng 4, giai đoạn 2 nhà lưu trú công nhân Thiên Phát vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Lê Tuyết

Sau động thổ hồi tháng 4, giai đoạn 2 nhà lưu trú công nhân Thiên Phát vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Lê Tuyết

Cũng đầu tư nhà ở công nhân, không ít lần lãnh đạo Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức) “thót tim” dù toàn bộ chi phí do nhà máy bỏ ra. Năm 1999, khi đầu tư vào Việt Nam, Nissei Electric xác định phải lo chỗ ăn, ở cho công nhân để thu hút lao động. Do đó, ngoài đất xây dựng nhà xưởng, công ty thuê gần 9.500 m2 xây ký túc xá. Năm 2005, các khối nhà bắt đầu khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 4 triệu USD. Lao động đến ở được công ty “bao” trọn gói từ tiền trọ, điện, nước… Hàng năm, công ty bỏ ra khoảng 240.000 USD để vận hành.

Đến năm 2018, Nghị định 82 của Chính phủ ra đời quy định dân cư không được phép sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Trường hợp cần thiết chỉ có nhà quản lý, chuyên gia là người nước ngoài mới được tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp và phải theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Ông Mochizuki Daisuke, Tổng giám đốc công ty, cho hay lúc đó doanh nghiệp khá lo lắng bởi đất xây dựng ký túc xá Nissei thuộc khu chế xuất. Nhưng sau đó đơn vị vận hành Khu chế xuất Linh Trung I đã hỗ trợ nên khu nhà ở được duy trì đến nay. Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam mới có điều chỉnh bằng Nghị định 35 cho phép từ 15/7/2022, người lao động được tạm trú trong cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Khi Covid-19 bùng phát, nhà máy bố trí 1.000 công nhân đến ở khu lưu trú, thực hiện phương án ‘một cung đường, hai điểm đến’ rất tốt, duy trì 80% công suất”, ông Daisuke nói. Ông cũng cho rằng xây chỗ ở cho lao động đem lại nhiều lợi ích nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của doanh nghiệp, pháp luật chưa bắt buộc và không có chính sách hỗ trợ như miễn, giảm tiền thuê đất.

Năm 1991, TP HCM thành lập Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Sau hơn 30 năm, thành phố có 18 khu công nghiệp với gần 1.700 doanh nghiệp, sử dụng ít nhất 320.000 lao động. Riêng công nhân làm trong các nhà máy, toàn thành phố có hơn 1,3 triệu người. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ có 16 nhà lưu trú dành cho công nhân đáp ứng chỗ ở gần 22.000 người. Số lao động còn lại phải thuê trọ hoặc ở nhờ nhà người quen. Diện tích phòng trọ phổ biến ở mức 12m2, có 2-3 người sinh sống, mỗi người mất 15-20% thu nhập cho chỗ ở.

Nhà ở cho công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Lê Tuyết

Nhà ở cho công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Lê Tuyết

Phía cơ quan quản lý cho rằng ngay từ đầu khi quy hoạch các khu công nghiệp đã không tính đến nhà ở cho công nhân. Hiện, các khu công nghiệp không còn quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch thành đất xây nhà lưu trú; nếu điều chỉnh mất nhiều thời gian, công sức do quy trình thủ tục phức tạp.

Bên cạnh doanh nghiệp, tổ chức công đoàn gặp không ít khó khăn khi tham gia xây nhà ở cho công nhân. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án (Tổng liên đoàn lao động), cho biết năm 2017, Thủ tướng có Quyết định 655 phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn, tức khu phức hợp gồm nhà ở, khu vui chơi văn hóa, thể thao, nhà trẻ… ở khu công nghiệp.

Tổng liên đoàn đã triển khai dự án đầu tiên ở Hà Nam, tuy nhiên sau khi xong giai đoạn một phải dừng lại để điều chỉnh toàn bộ nội dung công việc do vướng Điều 54-55 Luật Đất đai rằng tổ chức chính trị xã hội trong đó công đoàn không được giao đất làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Sau đó, Thủ tướng có Quyết định 1792 sửa đổi một số điều. Theo quyết định này, đến năm 2025, công đoàn phải hoàn thành 50 thiết chế ở các khu công nghiệp. “Với những rào cản tồn tại, Tổng liên đoàn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao”, ông Nghĩa nói và giải thích đơn vị được 34 tỉnh giới thiệu địa điểm xây dựng. Tuy nhiên khi công đoàn khảo sát lại vướng quy hoạch, mất nhiều thời gian điều chỉnh.

Trở ngại nữa nằm ở quy định Tổng liên đoàn phối hợp UBND tỉnh kêu gọi nhà đầu tư và địa phương sẽ quyết định đơn vị thực hiện dự án. Theo ông Nghĩa, khi doanh nghiệp tham gia, họ phải đặt lợi nhuận lên trên kéo theo giá thuê sẽ cao, trong khi mục tiêu của Tổng liên đoàn là giá thuê phải rẻ nhất để hỗ trợ lao động.

“Công đoàn có kinh phí nên muốn tự đầu tư, vận hành và chỉ cần thu hồi vốn, không cần lợi nhuận nhưng Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản không cho phép”, ông Nghĩa nói. Hiện, các dự án của Tổng liên đoàn rất bị động vì phụ thuộc vào nhà đầu tư. Với mục tiêu “nhà ở cho công nhân không lợi nhuận”, khó có đơn vị nào tham gia nên các dự án bị trì trệ.

Theo Lê Tuyết/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *