Các loại virus thường gặp gây ung thư

Virus u nhú ở người; virus viêm gan B, C; Epstein-Barr; HIV… có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến tế bào đột biến, dẫn đến ung thư.

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do virus như cảm lạnh thông thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và nhẹ. Tuy nhiên, có những thời điểm, những loại virus gây ra tác hại lâu dài và nghiêm trọng hơn. Nhiễm virus có thể dẫn đến ung thư khi nó làm tổn thương, đột biến, phá vỡ sự phát triển hoặc phân chia của tế bào. Virus cũng có thể gây viêm hoặc thay đổi hệ thống miễn dịch, khiến việc chống lại các tế bào ung thư trở nên khó khăn hơn.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, khoảng 10% các trường hợp ung thư trên toàn thế giới là do virus gây ra. Phần lớn trong số này ảnh hưởng đến người dân ở các nước đang phát triển. Nhiều bệnh ung thư liên quan đến virus có thể mất nhiều năm mới xuất hiện triệu chứng, dẫn đến khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Dưới đây là một số loại virus thường gặp gây ung thư.

Virus u nhú ở người

Virus u nhú ở người (HPV) là loại nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Hiện có hơn một trăm chủng HPV được biết đến, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này có thể gây ung thư. HPV 16 và 18 là hai chủng thường gặp nhất có liên quan đến ung thư.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, DNA của HPV được tìm thấy trong hậu môn chiếm tỷ lệ khoảng 91%, cổ tử cung chiếm khoảng 90%, âm đạo là 75%, âm hộ khoảng 69%, dương vật là 63%, 30% trường hợp ở miệng và 20% là vòm họng. Tiêm vaccine HVP có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho nữ giới.

Virus viêm gan B

Viêm gan siêu vi B (HBV) rất dễ lây lan qua đường truyền máu, tinh dịch và các chất dịch khác của cơ thể. Các con đường có thể lây truyền gồm dùng chung kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, lây truyền từ mẹ sang con.

Hầu hết người bệnh có thể hồi phục sau khi bị nhiễm viêm gan B cấp tính, song cũng có trường hợp tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Nhiễm trùng mạn tính phổ biến hơn ở những người mắc bệnh trong thời thơ ấu và những người không có triệu chứng. Nhiễm vius viêm gan B làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan. Hầu hết trẻ em sinh ra được chủng ngừa viêm gan B. Người lớn chưa chủng ngừa có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để phòng viêm gan B.


Hình ảnh 3D minh họa virus. Ảnh: Freepik

Virus viêm gan C

Nhiễm virus viêm gan C (HCV) làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan và ung thư hạch không hodgkin. Virus lây lan qua máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh. Người bệnh viêm gan C có thể lây khi dùng chung kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy. Nó cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và người mẹ có thể truyền cho thai nhi.

Bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xuất hiện có thể bao gồm đau bụng, phân màu đất sét, nước tiểu đậm, sốt, mệt mỏi, đau khớp, vàng da, buồn nôn, nôn mửa, ăn ít… HCV có thể tồn tại trong thời gian ngắn nhưng có thể trở thành mạn tính. Khi hệ thống miễn dịch tấn công virus theo thời gian, quá trình xơ hóa gan (sẹo) phát triển, cuối cùng dẫn đến xơ gan. Tình trạng viêm mạn tính này có thể dẫn đến ung thư gan. Hiện tại vẫn chưa có vaccine chủng ngừa viêm gan C.

Virus Epstein-Barr

Virus Epstein-Barr thường gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân, ung thư biểu mô vòm họng và ung thư biểu mô dạ dày. Virus này còn có liên quan đến sự phát triển của một số loại ung thư hạch bạch huyết khác nhau.

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) ức chế hệ thống miễn dịch và có liên quan đến ung thư u lympho không hodgkin, u lympho hodgkin; ung thư cổ tử cung, phổi, hậu môn, gan… Sự ức chế miễn dịch do HIV khiến các tế bào miễn dịch không chống lại tế bào ung thư. Vì HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch, các tế bào ung thư gây ra bởi virus epstein barr hoặc bất kỳ đột biến nào khác có thể nhân lên và tồn tại, gây ung thư. Nhiễm HIV cũng làm cho một số tế bào miễn dịch (tế bào B) nhân lên, làm tăng nguy cơ sản xuất quá mức và đột biến, dẫn đến ung thư tế bào B.

Nhiều loại virus có thể dẫn đến ung thư được truyền từ người sang người. Các mầm bệnh khác như vi khuẩn và ký sinh trùng cũng có liên quan đến sự phát triển ung thư. Các biện pháp giúp phòng ngừa nhiễm trùng và giảm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này là tiêm vaccine, tránh dùng chung kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn. Mọi người nên tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể như ăn uống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên.

Theo Kim Uyên (Theo Verywell Health)/vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Danh sách tài sản bị kê biên hé lộ thêm loạt BĐS đình đám liên quan bà Trương Mỹ Lan: Từ khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội đến Vietcombank Tower Saigon, Daewoo Hanoi…

Cơ quan điều tra cũng quyết định tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *