Các biện pháp giới hạn xuất khẩu gạo ở Ấn Độ đang đẩy thị trường châu Á đến tình trạng bị tê liệt, do người mua tìm kiếm những nguồn cung khác nhưng người bán chưa vội ký kết thỏa thuận vì giá gạo tiếp tục tăng.
Gạo tại cảng Kakinada Anchorage, bang Andhra Pradesh vào tháng 9.2021
Ấn Độ, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, từ hôm 9.9 quyết định cấm bán gạo tấm ra nước ngoài và áp thuế 20% đối với nhiều loại gạo khác nhau. Đây được cho là biện pháp nhằm tăng nguồn cung trong nước và bình ổn giá ở thị trường nội địa sau thời gian mưa ít gây ảnh hưởng sản lượng thu hoạch.
Gạo là mặt hàng mới nhất đối mặt nguy cơ hạn chế xuất khẩu trong năm nay, vào thời điểm các chính phủ chật vật tìm kiếm nguồn cung và chống lạm phát do chiến sự Ukraine làm gián đoạn hoạt động thương mại trên toàn cầu.
Theo Reuters hôm 12.9, giá gạo trên thị trường châu Á đã tăng 5% kể từ thời điểm chính quyền New Delhi thi hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu và sẽ còn tăng trong thời gian tới.
“Hoạt động kinh doanh gạo đang bị tê liệt khắp châu Á. Người bán không muốn vội vã ký kết các thương vụ bán gạo”, Reuters dẫn lời ông Himanshu Agarwal, Tổng giám đốc điều hành Satyam Balajee, nhà xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Thế giới đứng trước nguy cơ thiếu gạo?
Ông nhận định rằng, do Ấn Độ chiếm hơn 40% các chuyến hàng xuất khẩu gạo trên toàn cầu, không ai dám chắc chắn giá gạo sẽ tăng đến mức nào trong những tháng tới.
Gạo hiện là nguồn lương thực cho hơn 3 tỉ người. Thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo trên thế giới tăng lên mức kỷ lục là khoảng 1.000 USD/tấn.
Ấn Độ đạt mức xuất khẩu kỷ lục là 21,5 triệu tấn gạo vào năm 2021, cao hơn tổng số sản lượng xuất khẩu của 4 nước Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ gộp lại.
Quyết định giới hạn xuất khẩu gạo mới nhất của Ấn Độ được thi hành trong bối cảnh lượng mưa thấp hơn trung bình đã xảy ra ở những bang sản xuất gạo chủ lực như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh. Trước đó, nước này cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì và giới hạn số lượng các lô hàng xuất khẩu đường.
Theo Thụy Miên/Thanhnien.vn