Doanh nghiệp nội nộp thuế áp đảo ‘ông lớn’ ngoại

Tổng cục Thuế đã công khai danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2021. Bất ngờ có nhiều công ty trong nước vươn lên vị trí cao trong top 10 doanh nghiệp dẫn đầu.

Ngân hàng chiếm áp đảo về số lượng

Theo Tổng cục Thuế, các tiêu chí xác định danh sách 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN (TNDN) lớn nhất năm 2021 bao gồm: DN thành lập theo pháp luật VN, DN nước ngoài, các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định. Dẫn đầu trong danh sách công bố đợt này là Tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội (Viettel). Như vậy, Viettel liên tiếp giữ vị trí quán quân trong 6 năm liên tiếp kể từ khi Tổng cục Thuế xây dựng và công bố danh sách 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất tại VN.


Ngân hàng Vietcombank năm thứ 3 liên tiếp đứng thứ 2 danh sách nộp thuế TNDN lớn nhất VN

Các vị trí tiếp theo gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank); Công ty CP phát triển thành phố Xanh; Ngân hàng Techcombank; Ngân hàng TMCP Công thương VN; Công ty Honda VN; Công ty CP chăn nuôi C.P VN; Ngân hàng VPBank; Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm và Ngân hàng NN-PTNT VN (Agribank). Ấn tượng nhất khi trong 10 đơn vị dẫn đầu thì đã có 5 ngân hàng. Vietcombank cũng là nhà băng năm thứ 3 liên tiếp giữ được vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng này, kể từ năm 2019. Báo cáo tài chính năm 2021 từ Vietcombank cho thấy số thuế TNDN công ty mẹ là 5.700 tỉ đồng. Techcombank, từ vị trí xếp hạng thứ 8 của năm 2020 vươn lên vị trí thứ 4 với số thuế TNDN công ty mẹ đã nộp gần 4.000 tỉ đồng. Hay Ngân hàng VPBank năm 2020 đứng vị trí thứ 21 thì năm vừa qua đã vươn lên mạnh với vị trí thứ 8 và ước tính thuế TNDN đã nộp gần 3.300 tỉ đồng, vượt qua Agribank. Còn một số ngân hàng khác cũng góp mặt trong danh sách 30 đơn vị nộp thuế dẫn đầu gồm: Ngân hàng BIDV, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quốc tế VN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Trong năm 2021, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng khá ấn tượng. Theo tổng hợp từ số liệu báo cáo tài chính của 27 ngân hàng công bố, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm 2021 đạt hơn 197.420 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận toàn ngành với hơn 27.375 tỉ đồng, tăng 19% so với năm ngoái.


Viettel dẫn đầu 6 năm liên tiếp trong danh sách nộp thuế TNDN lớn nhất VN

Ông lớn ngoại… tụt hạng

Trong top 10 DN nộp thuế lớn nhất trong năm vừa qua, chỉ có 2 công ty nước ngoài là Công ty Honda VN và Công ty CP chăn nuôi C.P VN. Thế nhưng, cả hai đơn vị ngoại này đều tụt hạng. Cụ thể, Honda VN từ vị trí thứ 2 của năm 2020 đã lùi xuống hạng 6 và Chăn nuôi C.P VN từ vị trí thứ 3 cũng lùi xuống hạng 7. Thế nhưng nếu nhìn rộng ra, đa số DN có vốn đầu tư nước ngoài đều tụt hạng khá xa trong danh sách của Tổng cục Thuế. Ví dụ, Công ty TNHH Samsung Electronics VN Thái Nguyên từ vị trí thứ 6 của năm 2020 đã rơi khỏi top 10 dẫn đầu và xuống hạng 11. Đồng thời, Công ty TNHH Samsung Electronics VN từ vị trí 11 lùi xuống thứ 17. Điều này cũng gây không ít ngạc nhiên bởi Samsung VN đã công bố kết quả kinh doanh cho cả năm 2021 với doanh thu 74,2 tỉ USD, tăng 14%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2020. Hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại VN. Các sản phẩm điện thoại thông minh do nhà máy Samsung VN sản xuất được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong khi đó, hai công ty tụt hạng ở trên là hai đơn vị lớn nhất của Tập đoàn Samsung tại VN (tập đoàn đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng).

Tương tự, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken VN cũng từ hạng 9 năm 2020 xuống thứ 14 năm 2021. Nhà máy bia này liên tục tụt hạng trong danh sách nộp thuế khi năm 2019 vẫn đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng. Hay Công ty TNHH quốc tế Unilever VN từ hạng 28 lùi xuống thứ 37; Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico VN từ hạng 34 lùi xuống 40…

Doanh nghiệp trong nước là trụ cột của nền kinh tế

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định các DN trong nước đã có sự tăng tốc, lớn lên khá rõ ràng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là những tập đoàn đa ngành, quy mô lớn hay các ngành dịch vụ. Biểu hiện rõ là nhóm ngành ngân hàng đã tăng tốc về lợi nhuận và đóng góp nhiều trong top 10 công ty đóng thuế lớn nhất trong năm vừa qua. Đây cũng sẽ tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế trong thời gian tới dù hiện nay vẫn có một số lĩnh vực DN nước ngoài chiếm ưu thế. Việc thu hút hoạt động FDI vốn không phải là mục tiêu thu thuế mà nhằm khuyến khích đẩy mạnh và chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người dân. Hiện chính sách thu hút vốn FDI cũng đã có sự thay đổi với các tiêu chí cao hơn. “Nếu có điều kiện thì tôi cho rằng các DN kinh tế tư nhân trong nước sẽ phát triển rất nhanh. Việc khuyến khích phát triển khối DN tư nhân cũng đã được lãnh đạo nhà nước khẳng định bên cạnh quá trình tái cấu trúc, sắp xếp DN nhà nước. VN vẫn luôn luôn mở cửa, tạo điều kiện cho mọi DN nước ngoài vào hoạt động nhưng phải khẳng định là không thể phân biệt hay ưu ái riêng cho bất kỳ công ty nào mà phải dựa vào quy định chung”, ông Huỳnh Phước Nghĩa chia sẻ thêm.

Cùng góc nhìn, LS Trần Xoa nói: Số thuế TNDN mà các công ty nộp hằng năm mới thể hiện được mức lãi thực sự trong hoạt động. Nhiều tập đoàn nghe rất lớn, liên tục mở rộng quy mô nhưng số thuế TNDN phải nộp thấp cho thấy hoạt động không hiệu quả hay là được giảm thuế quá nhiều. Trong khi đó, số thuế nộp càng cao cho thấy DN có lãi lớn, có tiềm lực để tiếp tục vươn lên mạnh hơn. Vì vậy chúng ta không nên đưa ra những ưu đãi quá lớn hay tạo ra sự khác biệt giữa DN trong nước và ngoài nước mà cần tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, bình đẳng để các đơn vị cùng có cơ hội phát triển.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng danh sách nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2021 cho thấy lợi nhuận của các DN trong nước đã tăng mạnh bất chấp Covid-19. Chỉ riêng trong top 10 đơn vị dẫn đầu đã có 8 công ty trong nước, chiếm áp đảo so với DN ngoại. Thậm chí khi mở rộng ra danh sách 30 công ty nộp thuế dẫn đầu thì số lượng DN nước ngoài cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài việc nhiều công ty Việt đã tăng tốc nhanh hơn thì cũng có các DN nước ngoài vẫn còn đang được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế TNDN khi nhận giấy phép đầu tư vào VN.

Luật sư Trần Xoa phân tích: Có thể thấy rằng trong những năm qua, nhiều tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lớn như Bình Dương, Đồng Nai nhưng số thu thuế TNDN cũng không quá cao như Hà Nội, TP.HCM. Đây là do trong thời gian trước đây, các chính sách khi thu hút vốn FDI với nhiều ưu đãi về thuế. Có giai đoạn khi thuế TNDN trong nước vẫn phải đóng 28% thì các công ty vốn FDI đầu tư trong KCN chỉ phải đóng với thuế suất còn 15%/năm. Thậm chí, không chỉ giảm 50% số thuế TNDN trong vòng 7 năm, 9 năm mà có DN được giảm đến 50% số thuế TNDN trong suốt vòng đời dự án, là kéo dài lên đến 50 năm. Chính vì vậy có nhiều tập đoàn nước ngoài vẫn mở rộng hoạt động nhưng số thuế TNDN phải đóng cũng không tăng nhiều…

Theo Mai Phương/Thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *