Hai ngày trước kỳ điều chỉnh giá mới, nhiều cửa hàng xăng dầu ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương thông báo ngưng bán từ sớm hoặc chỉ bán theo định mức.
Lúc 16h, tại cây xăng trên đường Đặng Văn Bi (TP Thủ Đức), đông nghịt người chờ đổ xăng.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, trong ngày 9/10, hàng loạt cây xăng ở TP HCM tạm hết hàng, nhiều nơi chỉ bán với mức 30.000 đồng một xe hoặc duy trì 1-2 trạm bơm.
Cách đó 2 km, cũng tại hệ thống xăng của doanh nghiệp này ở ngã tư Thủ Đức, từ chiều nhân viên đã dán giấy thông báo hết xăng ở một trụ. Tại đây, nhiều xe máy, ôtô, container phải chờ đợi khá lâu mới tới lượt.
Theo nhân viên cửa hàng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), sở dĩ chỉ bán theo hạn mức vì nguồn cung xăng dầu về nhỏ giọt, mỗi đợt chỉ đáp ứng 50-60% trước đây.
“Sắp hết xăng mà nguồn hàng chưa về nên bà con thông cảm. Chúng tôi không dám ngưng hẳn vì sợ cơ quan quản lý phạt”, nhân viên cửa hàng này nói.
Tại tỉnh Đồng Nai, một cây xăng trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP Biên Hòa) dán thông báo chỉ bán 30.000 đồng với xe máy và 300.000 đồng với ôtô.
Cũng trên con đường này, một cửa hàng khác treo bảng “hết xăng còn dầu” từ trưa nay.
Sáng cùng ngày, cửa hàng xăng dầu Nguyễn Khuyến (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) treo thông báo tạm hết xăng chờ nhập hàng. Ngay sau đó, quản lý thị trường TP Biên Hoà đã đến kiểm tra.
Ông Hoàng Hùng Mạnh, quản lý cửa hàng, cho biết cây xăng có 2 trụ bơm dầu và 4 trụ bơm xăng. Trung bình mỗi ngày cửa hàng cung ứng khoảng 2.000 lít xăng và 1.000 lít dầu. Khoảng ba ngày nay, nhu cầu nhiên liệu tăng gấp 3-4 lần trong khi nguồn cung hạn chế.
Báo cáo nhanh của Sở Công thương Đồng Nai cho thấy, tính đến ngày 8/10, trên địa bàn tỉnh có 40 cửa hàng báo hết xăng, trong đó có 5 cửa hàng hết cả xăng và dầu.
Đến tối, tình trạng ngưng bán tiếp tục xảy ra tại các cây xăng. Cây xăng trên quốc lộ 1K, đoạn qua TP Dĩ An, Bình Dương đóng rào chắn và thông báo tạm ngưng bán tối 9/10.
Lúc 19h, cửa hàng trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức đông người tới mua nhưng lượng bán nhỏ giọt. Nhiều cây xăng khác ở TP HCM cũng trong tình trạng tương tự.
Bà Nguyễn Thị Nga cầm chai đi đổ xăng tại cây xăng số 85 đường Nguyễn Duy Trinh. Bà cho biết xe máy hết xăng nên lấy xe đạp đi mua nhưng cửa hàng không bán vào chai vì quy định phòng cháy chữa cháy.
Xe hết xăng, ông Nguyễn Quang Vinh phải dắt bộ hơn 3 km trên đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến cây xăng gần vòng xoay Phú Hữu. “Đi mấy cây số mà không có xăng nào nên xe hết xăng, phải dắt bộ. Tôi đem theo chai nhựa để mua thêm xăng dự trữ phòng hờ”, ông Vinh nói.
Một nửa trụ trên cây xăng khác ở đường Lê Văn Việt đã không còn nhiên liệu. Nhân viên phải căng dây để người dân ra vào theo một lối, tránh tình trạng hỗn loạn.
Lúc 19h30, trên đường Đỗ Xuân Hợp, bà Linh chờ gần 20 phút để đổ xăng. “Cả con đường có mỗi cây xăng này mà nay ngưng bán sớm quá. Tôi tưởng là họ tạm ngưng để nhập hàng nên cố gắng đợi, chứ giờ đi chỗ nào cũng đông người đổ xăng lắm”, bà nói.
19h45, cây xăng ở ngã ba Mỹ Thành (TP Thủ Đức) hết hàng, nhân viên đóng cửa sớm hơn thường ngày. Nhiều cửa hàng xăng dầu khác trên đường này cũng đóng cửa từ chiều tối nay.
Trong ngày, Cục Quản lý thị trường TP đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường rà soát. Qua kiểm tra có 54 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu do đã đặt hàng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao.
Theo hầu hết doanh nghiệp xăng dầu ở TP HCM, họ đang lỗ 100-300 triệu đồng với cây xăng quy mô nhỏ và lỗ nửa tỷ đồng với cây xăng quy mô lớn. Nhiều đại lý cho biết nếu chính sách chiết khấu không thay đổi họ sẽ chỉ bán hết hàng tồn và có thể xin ngưng kinh doanh trong tuần tới.
Thừa nhận nguồn cung bị gián đoạn, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết, ảnh hưởng bão nên việc vận chuyển xăng từ miền Trung vào Nam của doanh nghiệp đầu mối ảnh hưởng. Ngoài ra, việc nhập khẩu cũng khá khó khăn, giá giảm nhưng không dễ nhập vượt số lượng.
“Trước đây khi xăng tăng giá nhiều đầu mối tham gia nhập nên nguồn cung dồi dào, tới nay giá giảm nhập vào lỗ nên nhiều đầu mối giảm số lượng nhập. Do đó, những cây xăng nhập của các đầu mối ngưng hoặc giảm nhập chịu ảnh hưởng mạnh”, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM nói.
36 doanh nghiệp xăng dầu TP HCM cho rằng điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính thời gian qua “có vấn đề”, gây bất lợi cho doanh nghiệp và bất ổn trên thị trường. Nếu tiếp tục điều hành trái với quy luật giá trị, cung cầu, các doanh nghiệp cho rằng thị trường sẽ càng bất ổn.
Theo Quỳnh Trần – Thanh Tùng – Phước Tuấn – Thi Hà/vnexpress.net