COVID-19 gây tổn thương đến tim người như thế nào?

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra cách thức COVID-19 gây tổn thương tim, từ đó tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả trong tương lai.

Nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) được đăng tải trên tạp chí Immunology cho thấy COVID-19 và bệnh cúm đều do vi rút gây bệnh về đường hô hấp nhưng 2 bệnh này ảnh hưởng đến mô tim theo các cách khác nhau.

Nghiên cứu phân tích mô tim thật của con người, thu thập trong quá trình khám nghiệm tử thi của 7 bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Brazil, 2 người tử vong do bệnh cúm và 6 bệnh nhân đối chứng. Kết quả phân tích cho thấy COVID-19 gây tổn thương ADN trong các mô tim, trong khi ở các mẫu cơ tim của bệnh nhân tử vong do cúm không có hiện tượng này.

Giáo sư John Fraser cho biết: “Khi nghiên cứu các mẫu mô tim của bệnh nhân mắc cúm, chúng tôi nhận ra rằng bệnh cúm gây ra tình trạng viêm cơ tim quá mức. Trong khi đó, vi rút SARS-Co-2 đã tấn công ADN của mô tim, có thể trực tiếp chứ không phải là một tác nhân gây viêm”.

Trong khi đó, ông Arutha Kulasinghe của Viện Diamantina thuộc Đại học Queensland cho biết các chuyên gia không thể phát hiện dấu vết của vi rút trong mô tim của bệnh nhân COVID-19, nhưng họ thấy các thay đổi mô liên quan đến việc sửa chữa và gây tổn thương ADN. Theo ông, cơ chế gây tổn thương và sửa chữa ADN thúc đẩy sự mất ổn định hệ gien và có liên quan đến các bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh động mạch vành và các rối loạn thoái hóa thần kinh.

Khi so sánh với dịch cúm năm 2009 thì COVID-19 gây ra các bệnh về tim mạch nghiêm trọng và kéo dài hơn ở người bệnh sau này. Điều này đã chứng minh rõ ràng là COVID-19 không giống bệnh cúm.

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này giúp hiểu COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến trái tim con người song điều này cần phải tìm hiểu thêm trong các nghiên cứu quy mô lớn hơn. Đây cũng là bước đầu tiên để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất các bệnh tim mạch ở bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, theo báo cáo trên tạp chí Y khoa Mỹ, qua nghiên cứu hồ sơ của 138 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 cho biết gần 17% người bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% bị tổn thương tim cấp tính, bao gồm: ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim.

Đặc biệt có khoảng 70% người bệnh tim mạch bị tổn thương cơ tim do vi rút SARS-CoV-2 đã tử vong. Điều đó cho thấy tác động của COVID-19 lên người bệnh tim và rối loạn nhịp tim nguy hiểm như thế nào.

Theo các chuyên gia y tế, những biến chứng trên xảy ra có thể do vi rút SARS-CoV-2 ức chế hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Từ đó làm giảm nồng độ oxy trong máu và gây rối loạn nhịp tim. Sự xuất hiện của vi rút “lạ” trong cơ thể cũng kích thích các phản ứng miễn dịch tạo ra các báo động giả, kích hoạt hoạt động của thần kinh tự chủ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.

Theo Đan Thùy/1thegioi.vn

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *