Nhiều chủ quán cà phê, du khách mong muốn chính quyền có giải pháp phù hợp hơn để vừa đảm bảo việc kinh doanh vừa đảm bảo an toàn trên phố ‘cà phê đường tàu’, thay vì đóng cửa hoàn toàn.
Phố “cà phê đường tàu” vắng vẻ sau lệnh cấm – Ảnh: PHẠM TUẤN
Tối 14-9, sau chỉ đạo từ UBND quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã có mặt tại tuyến phố “cà phê đường tàu” yêu cầu tất cả hàng quán tại đây đóng cửa và đề nghị du khách rời khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong sáng 15-9, hầu hết các quán cà phê ở đây đều đã đóng cửa, số ít hàng quán khác vẫn mở nhưng “thậm thò thậm thụt”. Tại các lối tuyến “phố cà phê đường tàu”, lực lượng chức năng đã thiết lập rào chắn, có bảo vệ trông coi để nhắc nhở, yêu cầu du khách không lên khu vực này.
Sau lệnh đóng cửa, nhiều du khách tỏ vẻ tiếc nuối, thất vọng. Chủ các cửa hàng cà phê tại phố đường tàu mong chính quyền có “giải pháp phù hợp hơn” thay vì cấm đoán, bởi “ai cũng cần mưu sinh”.
Tất cả hàng quán dọc đường sắt đều bị yêu cầu đóng cửa – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Sáng cùng ngày, chị Jess (du khách New Zealand) cùng bạn ra tuyến phố “cà phê đường tàu” – đoạn chạy dọc đường Phùng Hưng – để tham quan, chụp ảnh. Nhưng khi tới nơi, Jess ngỡ ngàng vì không được vào bên trong, khi biết địa điểm này đang tạm thời bị đóng cửa, chị cho biết hết sức tiếc nuối.
“Tôi đến Việt Nam được 5 ngày, những ngày trước tôi ở TP.HCM. Hôm nay tôi ra Hà Nội để trải nghiệm cà phê đường tàu, khi đến đây thấy các quán cà phê ở đây bị đóng cửa, cũng không được vào chụp ảnh, tham quan, tôi khá tiếc nuối. Tôi chỉ ở Hà Nội hôm nay, ngày mai tôi sẽ di chuyển đến Hạ Long” – Jess nói.
Không được vào bên trong, cặp đôi du khách nước ngoài chụp “vọng” phố “cà phê đường tàu” bên ngoài rào chắn làm kỷ niệm – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Anh Lê Khoa (du khách tới từ Bình Dương) nói: “Từ trong miền Nam ra đây để đi tham quan phố đường tàu, nhưng nay bị đóng cửa thì mình thấy khá tiếc nuối. Nhưng không sao, Hà Nội vẫn còn nhiều địa điểm đẹp khác cho mình khám phá”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (55 tuổi, chủ một quán cà phê trên tuyến phố đường tàu) cho biết những người dân sống dọc khu vực này chỉ có việc bán cà phê để mưu sinh, nếu bị cấm bán cà phê vĩnh viễn thì không biết làm gì để kiếm tiền.
“Chồng tôi 60 tuổi, trước chạy xe ôm nhưng giờ già rồi không chạy được nữa. Tôi cũng lớn tuổi rồi, nhà có một đứa con trai thì đi bộ đội nên cả gia đình trông chờ vào quán cà phê này, nếu giờ bị cấm thì cũng không biết làm gì để sống.
Tôi nghĩ nên có một giải pháp khác thay vì cấm cửa hoàn toàn, tàu chỉ chạy nhiều vào cuối tuần, còn giữa tuần thì đến 21h đêm mới có tàu đi qua, vì vậy việc cấm buôn bán hoàn toàn ở đây là không hợp lý. Cấm thì cấm tới gần giờ tàu chạy thôi, ban ngày thì vẫn nên cho người ta buôn bán, đi lại” – bà Nguyệt nói.
Ông Lê Tuấn Anh (50 tuổi) – áo trắng – nói: “Giữa tuần tàu bắt đầu lúc 21h tối, sao bắt đóng cửa cả ngày?” – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ông Lê Tuấn Anh (50 tuổi) – chủ quán cà phê – nói: “Tôi nghĩ chính quyền nên linh động hơn, quy định khung giờ nào đóng cửa, khung giờ nào mở cửa các quán cà phê. Ví dụ 21h tàu chạy thì yêu cầu các quán cà phê đóng cửa trước 21h, chứ không nên đóng cửa cả ngày như thế này. Giữa tuần tàu bắt đầu chạy từ lúc 21h đêm, vì sao bắt chúng tôi đóng cửa cả ngày?”.
Đoạn cà phê đường tàu thuộc phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) bị tạm đóng cửa, du khách sang đường tàu thuộc quận Ba Đình check-in – Ảnh: HIỀN NGUYỄN
Đóng hay mở cửa tuyến “phố cà phê đường tàu”?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 15-9, ông Nguyễn Vũ Linh – chủ tịch phường Hàng Bông – cho biết hiện phường đang tham mưu cùng quận để xây dựng đề án trình các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp phù hợp đối với việc đóng hay mở cửa tuyến “phố cà phê đường tàu”.
“Trong tuần thì có ba khung giờ tàu chạy, cuối tuần có bảy khung giờ, chúng tôi sẽ xây dựng đề án báo cáo Bộ Giao thông vận tải và UBND TP làm sao đưa ra được phương án để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh trong khu vực này trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.
Nếu được các cấp phê duyệt đề án thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, thời điểm hiện tại chúng tôi sẽ tạm thời yêu cầu đóng cửa các quán cà phê sau văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam” – ông Linh nói.
Theo Phạm Tuấn và Nguyễn Hiền/dulich.tuoitre.vn