Do ảnh hưởng của già hóa và chi phí lao động tăng, Việt Nam sẽ sớm mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ, theo JICA.
Nhận định trên được nêu trong nghiên cứu “Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, thông qua phỏng vấn và khảo sát diện rộng hơn 1.000 tổ chức khu vực công và tư.
Năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là 74,4%, cao đáng kể so với 60,5% (thế giới), 67,2% (Đông Nam Á và Thái Bình Dương). Nghiên cứu cho rằng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn cung lao động của Việt Nam sẽ vẫn ổn định trong ngắn hạn và trung hạn.
Tuy nhiên, về lâu dài, thách thức sẽ là nguồn dự trữ lao động hạn chế để thúc đẩy tổng cung. Năm 2015, Việt Nam ở trong “thời kỳ dân số vàng”, với 70% dân số ở độ tuổi từ 15 đến 64 (độ tuổi lao động hợp pháp). Dân số Việt Nam sẽ già đi “cực kỳ nhanh” vào năm 2050, chỉ còn 60% dân số trong độ tuổi lao động và một phần dân số sẽ trên 60 tuổi.
*Kim tự tháp tuổi dân số Việt Nam năm 2015 & 2055
Đơn vị: %. 100% = 92.677.082 người năm 2015, 100% = 109.783.121 người năm 2055. Đồ họa: JICA
Trừ khi tăng trưởng năng suất và tỷ lệ tham gia thị trường lao động được cải thiện, già hóa dân số dự kiến dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn đáng kể và làm tăng khả năng thiếu lao động.
Trong khi đội ngũ lao động dần thu hẹp, tiền lương chắc chắn vẫn sẽ tăng. Vì thế, “Việt Nam sẽ mất lợi thế so sánh hiện tại về lao động giá rẻ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và thâm dụng lao động” nghiên cứu kết luận.
Thực tế, nguy cơ này đã được cảnh báo từ lâu. Năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chắc chắn sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ của Việt Nam. Tự động hóa sẽ đe dọa lao động tay nghề thấp các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, bán lẻ.
Theo JICA, một trong những lời giải là tăng năng suất lao động. Ở giai đoạn đầu của quá trình toàn cầu hóa, thế giới đã chứng kiến sự chuyển dịch sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều lao động từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển để tận dụng chênh lệch chi phí nhân công.
Với sự cạnh tranh ngày càng cao giữa nhiều nước trong các chuỗi giá trị toàn cầu cũng như sự tăng tốc của tự động hóa, giao dịch thương mại dựa trên chi phí nhân công thấp không còn bền vững.
Quy mô lực lượng lao động của Việt Nam cũng nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc hay Ấn Độ nên lợi thế này chỉ là tương đối. Do đó, nâng cao năng suất lao động và lao động trình độ cao là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh.
Nhưng quá trình cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam không dễ dàng. Thứ nhất, chuyển dịch lao động kém năng suất từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là yếu tố chính góp phần vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đóng góp vào tăng trưởng năng suất từ quá trình chuyển đổi này gần như đã cạn kiệt.
Thứ hai là quy mô doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp hộ gia đình có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, thiếu phương tiện kinh tế đáng kể để đầu tư và cải tiến công nghệ, thiết bị, tổ chức hoặc sản xuất.
Thứ ba là kỹ năng của người lao động. Năm 2020, lực lượng lao động tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%. Trình độ học vấn thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam gần đây được xác định là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực.
“Việt Nam cần cải thiện công tác giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động vì mục tiêu tăng năng suất lao động. Từ đó có thể dẫn đến việc cải thiện hiệu suất công nghiệp và nói chung là để tăng khả năng cạnh tranh của đất nước, hội nhập toàn cầu”, nghiên cứu của JICA khuyến nghị.
Theo Viễn Thông/Vnexpress.com