12 quy tắc giúp chuyên gia tài chính nghỉ hưu ở tuổi 35

Steve Adcock, chuyên gia tài chính, nhà phát triển phần mềm, tiết kiệm được một triệu USD nhờ học theo thói quen của người giàu, tránh nợ thẻ tín dụng, ngừng đi bar… để nghỉ hưu ở tuổi ngoài 30.

Steve Adcock (áo xanh). Ảnh: Steve Adcock

Steve Adcock từng là nhà phát triển phần mềm, là một chuyên gia tài chính, viết blog về cách đạt được sự độc lập tài chính. Dưới đây là bài viết của anh về các quy tắc làm việc, kiếm tiền để tiết kiệm được một triệu USD, đạt mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 35.

Tôi sẽ nhớ ngày 23 tháng 12 năm 2016 cho đến hết cuộc đời. Đó là ngày cuối cùng của tôi khi làm công việc toàn thời gian. Vợ tôi và tôi nghỉ hưu sớm lần lượt ở tuổi 33 và 35 sau khi tích lũy được 870.000 USD từ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với sự phát triển của thị trường, giá trị ròng tài sản chúng tôi tích lũy đã tăng lên một triệu USD ngay sau đó.

Tôi không sinh ra trong gia đình giàu có. Chúng tôi không bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Không ai trong chúng tôi được thừa kế một số tiền lớn. Chúng tôi thậm chí không hề hối hả kiếm tiền trước khi nghỉ hưu. Chúng tôi tích lũy tài sản theo cách cổ điển là làm việc chăm chỉ và thực hiện các chiến lược tài chính. Dưới đây là 12 điều đơn giản tôi làm đã giúp tôi thoát khỏi cuộc đua kiếm tiền sau 14 năm sự nghiệp.

1. Tôi đã bỏ qua lời khuyên ‘hãy theo đuổi đam mê của bạn’

Niềm đam mê của chúng tôi về sáng tạo, không phải lúc nào cũng có thể thanh toán được các hóa đơn nhưng thế mạnh của chúng tôi thì có thể. Ví dụ, đam mê của tôi là nhiếp ảnh. Nhưng thế mạnh của tôi là khoa học máy tính. Năm 2004, mức lương khởi điểm của tôi với tư cách một kỹ sư phần mềm là 55.000 USD, và đến năm 2016, tôi đã kiếm được hơn 100.000 USD. Tôi không chắc mình đã kiếm được bao nhiêu tiền nếu tôi chọn theo đuổi đam mê của mình. Mặc dù việc kết hợp sở thích của bạn với một nghề nghiệp được trả lương cao hoàn toàn có thể, nhưng nó ít phổ biến hơn bạn nghĩ. Xây dựng sự nghiệp xung quanh những gì bạn giỏi là điều bạn nên làm.

2. Tôi học được từ các triệu phú

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã làm việc với nhiều người giàu có. Thay vì ghen tị với họ, tôi ghi chép lại. Tôi sẽ không bao giờ quên Brian, người tôi đã làm việc cùng sau khi học đại học. Anh ấy hơn tôi vài tuổi và lái chiếc Honda Accord sáu năm tuổi. Là một triệu phú nhưng anh ta vẫn đeo một chiếc đồng hồ Casio rẻ tiền và không mặc quần áo hàng hiệu. Brian luôn là người đầu tiên có mặt trong văn phòng, không bao giờ bị cuốn vào chính trị văn phòng, và thường tình nguyện nhận nhiều trách nhiệm hơn. Anh có được sự giàu có bằng cách đầu tư và kiểm soát chi tiêu của mình.

3. Tôi loại những kẻ thua cuộc khỏi cuộc đời mình

Nếu bạn chỉ đi chơi với những người thích uống rượu ở quán bar và tiêu tiền, rất có thể bạn sẽ làm theo những thói quen tiêu xài đó. Tôi đã nâng cấp cuộc sống của mình bằng cách nâng cấp bạn bè. Tôi tạo mối quan hệ với những người làm việc tốt nhất trong văn phòng. Tôi đã dành thêm thời gian với những người thành công hơn tôi. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng mối quan hệ với họ. Những thói quen của họ đã ảnh hưởng đến tôi. Chúng tôi đã tạo động lực cho nhau. Tôi bắt đầu đưa ra những quyết định tốt hơn về tiền bạc và cắt giảm rượu. Tại nơi làm việc, tôi thường xuyên tăng ca. Tôi yêu cầu tăng lương và thăng chức – giống như những người có thành tích cao đã làm. Điều này rất hiệu quả.

4. Tôi đã chuyển công ty 5 lần trong 14 năm

Nhận một công việc mới thường là cách dễ nhất để được tăng lương vì thương lượng mức lương cao hơn là một phần tự nhiên của quá trình này. Tôi được tăng 15-20% mỗi khi chuyển công ty. Con số này vượt xa mức tăng chi phí sinh hoạt thông thường là mức 3% mà nhiều nhà tuyển dụng đưa ra cho nhân viên của họ. Bạn chỉ cần lưu ý không chuyển công ty quá thường xuyên. Cố gắng duy trì mỗi vai trò trong ít nhất một năm, bởi một số nhà tuyển dụng sẽ không thuê những ứng viên thay đổi công việc thường xuyên. Quá trình tuyển dụng và giới thiệu rất tốn kém.

5. Tôi đã tự động hóa mọi thứ

Tôi đã sử dụng các khoản khấu trừ tiền lương tự động cho quỹ hưu trí 401 (k) và Roth IRA (tài khoản có lợi về thuế tại Mỹ) của mình. Tôi cũng sử dụng chuyển khoản ngân hàng tự động để đóng góp tiền vào tài khoản môi giới của mình. Điều này đảm bảo rằng tôi tiết kiệm tiền từ mỗi lần nhận lương. Tôi cũng đăng ký thanh toán hóa đơn tự động cho các tiện ích như điện, nước và thậm chí một số thẻ tín dụng. Tôi không bao giờ bỏ lỡ một lần thanh toán nào và tránh được các khoản phí trả chậm, trả lãi và các khoản phạt khác.

6. Tôi phớt lờ những kẻ thù ghét mình

Một phần không may khi làm bất cứ điều gì quan trọng là bạn sẽ bị ghét. Đôi khi, bạn bị ghét rất nhiều. Mọi người chỉ trích bạn vì đã tiêu tiền một cách khác người. Bạn có thể mất bạn bè nếu bạn từ chối những giờ vui vẻ hàng tuần tại quán bar địa phương. Không phải mọi chuyện lúc nào cũng dễ dàng, nhưng bỏ qua sự ghét bỏ là điều không thể thiếu để xây dựng sự giàu có.

7. Tôi không mua đồ đắt tiền như người khác

Chỉ vì hàng xóm của bạn mua một chiếc xe hơi, thuyền hoặc nhà mới không có nghĩa là bạn phải làm như vậy. Cách tốt nhất để phớt lờ việc sở hữu đồ đắt tiền là tập trung vào mục tiêu của chính bạn. Vợ tôi và tôi nói về hy vọng tương lai của chúng tôi hàng đêm khi chúng tôi dắt chó đi dạo quanh khu phố. Điều này đã giúp giữ cho mục tiêu của chúng tôi luôn ở phía trước và là trung tâm trong tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi đã không để thói quen chi tiêu của người khác ảnh hưởng đến của mình.

8. Tôi ưu tiên giao tiếp cởi mở

Vợ chồng thường có những ý kiến khác nhau về thói quen chi tiêu, mục tiêu và ước mơ. Nếu không được kiểm soát, những khác biệt này có thể gây ra tranh cãi và các vấn đề khác trong mối quan hệ khiến bạn không đạt được mục tiêu tài chính của mình. Mối quan hệ lành mạnh phụ thuộc vào giao tiếp cởi mở với nửa kia của bạn, các bạn cần xác định mục tiêu và điều gì khiến bạn hạnh phúc.

Việc nói về mục tiêu tương lai của chúng tôi hàng ngày khiến vợ chồng tôi luôn quan tâm đến những gì chúng tôi muốn. Chúng tôi hình dung tương lai của mình như thế nào và những bước chúng tôi sẽ thực hiện ngay bây giờ để biến giấc mơ thành hiện thực.

9. Tôi ưu tiên sức khỏe của mình

Cuộc sống không chỉ xoay quanh tiền bạc. Hơn hết, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của tôi. Sức khỏe tốt giúp bạn hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ phát sinh các chi phí y tế không mong muốn. Năm 2007, tôi mất dáng và không khỏe mạnh. Tôi quyết định thay đổi lối sống của mình bằng cách ăn uống tốt hơn và tập thể dục thường xuyên. Hôm nay, tôi 41 tuổi và vẫn tiếp tục tập tạ hàng ngày. Năm nay, vợ tôi và tôi đã chi 10.000 USD để xây dựng một phòng tập thể dục dành riêng cho gia đình trên diện tích 7 mẫu đất của chúng tôi. Đó là số tiền hữu ích nhất chúng tôi từng chi tiêu.

10. Tôi tránh nợ thẻ tín dụng

Người Mỹ đang gánh khoản nợ thẻ tín dụng hơn 840 tỷ USD. Lãi suất của nó cực kỳ cao, khiến nó trở thành khoản nợ tồi tệ nhất trong tất cả các loại nợ. Tôi chưa bao giờ trả một USD nào cho tiền lãi thẻ tín dụng, và tôi nợ bố tôi rất nhiều. Ông dạy tôi rằng nợ thẻ tín dụng không thể chấp nhận được, dù chỉ trong một tháng. Đối với nhiều người, thẻ tín dụng là phương tiện khiến họ dễ dàng tiêu số tiền họ không có. Đó là một thói quen có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Tôi sử dụng thẻ tín dụng như một sự tiện lợi. Tính năng bảo vệ chống gian lận mà nhiều thẻ cung cấp cho khách hàng khiến chúng đáng giá đối với tôi, nhưng đó là vì tôi trả hết số tiền mình tiêu hàng tháng. Đó là lý do lớn khiến tôi có thể nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 30.

11. Tôi luôn nói ‘Có’

Ngay cả khi tôi không biết làm thế nào để thực hiện một công việc được đề nghị, tôi sẽ luôn chấp nhận thử thách và tìm ra cách giải quyết. Tôi nhớ vào một ngày thứ Sáu tại văn phòng, tôi được gọi đến họp với giám đốc điều hành của công ty tôi đang làm việc. Tôi đã rất lo lắng khi tham gia, nhưng hóa ra đó lại là cơ hội nghề nghiệp tốt nhất tôi từng có. Tổ chức đã sa thải toàn bộ đội ngũ quản lý phía trên tôi và họ muốn tôi làm giám đốc công nghệ thông tin. Là một nhà phát triển phần mềm cấp thấp, bước nhảy vọt khổng lồ đó có vẻ khó khăn. Tôi chưa bao giờ làm quản lý trước đây và cảm thấy hoàn toàn không được chuẩn bị cho một sự thăng tiến lớn như vậy. Tâm trí tôi bảo tôi phải nói: “Cảm ơn, nhưng không, cảm ơn” nhưng dù sao tôi cũng đã chấp nhận nó. Tôi đã đặt nhiều câu hỏi, tìm người cố vấn và thu được kinh nghiệm cần thiết để thăng cấp toàn bộ sự nghiệp của mình từ thời điểm đó trở đi.

12. Tôi ngừng đi bar

Thuở mới vào nghề, tôi thường đi bar cùng đồng nghiệp. Mỗi chuyến đi, tôi sẽ chi từ 70 đến 100 USD cho rượu. Trong hơn một tháng, thói quen đi bar đã rút cạn ví của tôi từ 350 đến 400 USD. Một ngày nọ, tôi quyết định bỏ qua các chuyến đi chơi. Thay vào đó, tôi đầu tư số tiền tiết kiệm được từ không đi bar và nó đã góp phần tạo nên tài sản trị giá 1.000.000 USD tôi có được lúc 35 tuổi.

Hãy kiểm tra số tiền bạn chi cho rượu và cho thói quen uống cà phê của bạn. Thỉnh thoảng đi ra ngoài thì không sao, nhưng nếu nó trở thành thói quen, bạn đang làm giảm chất lượng cuộc sống tương lai bằng cách tiêu nhiều tiền hơn mức cần thiết.

Theo CNBC/ngoisao.vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *