Ở chốn công sở mà vô tình nói 4 điều sau, bảo sao dễ làm mất lòng lãnh đạo: Người EQ cao không bao giờ phạm phải

Bạn phải hiểu rằng để lại ấn tượng xấu tương đương với việc làm mất lòng người lãnh đạo, khiến con đường phát triển cá nhân thêm khó khăn.

Gần đây, người ta phát hiện ra một hiện tượng rất lạ. Đó là việc một bộ phận giới trẻ quá tập trung thể hiện cá tính của bản thân mà không bận tâm tới mối quan hệ với lãnh đạo và đồng nghiệp.

Họ gặp chuyện không đúng ý mình thì phải tranh cãi, “hơn thua” cho bằng được. Cách làm này mang lại cảm giác sảng khoái nhất thời, nhưng chắc chắn không phải là cách làm khôn ngoan nhất.

Đúng là có nhiều người lãnh đạo thiếu trách nhiệm, mang cảm xúc cá nhân vào công việc, không quản lý công bằng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng môi trường làm việc không có chỗ cho “chủ nghĩa cá nhân”. Bất cứ việc gì đều cần có đội nhóm vững vàng thì mới dễ đạt được thành tựu.

Vì vậy, nếu gặp phải tình huống không thể chấp nhận được, trái với quy tắc làm việc và đạo đức cá nhân, bạn chắc chắn cần phải “dứt áo ra đi” ngay lập tức. Nhưng nếu không phải như vậy, việc xây dựng mối quan hệ hòa thuận với lãnh đạo và đồng nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng, bất kể đó là loại hình công ty nào.

Với một người giỏi giao tiếp ứng xử, có chỉ số cảm xúc cao, họ thường liệt kê 4 “câu cửa miệng” sau đây là những điều tối kỵ. Nếu bạn đang thường xuyên nói ra ở nơi làm việc thì cần sớm thay đổi ngay kẻo dễ làm mất lòng mọi người xung quanh.

01. “Không phải tại tôi” – Luôn nói lời bào chữa

Đây là một điều cấm kỵ lớn ở nơi làm việc. Lãnh đạo thường quan tâm tới kết quả nhiều hơn là dành thời gian để nghe lý do. Đặc biệt, nếu đó là lý do chủ quan, là những lời bào chữa cho bản thân thì họ lại càng không hài lòng.

Chẳng hạn, khi lãnh đạo phê bình bạn vì một việc nào đó, bản thân họ đã rất tức giận vì kết quả công việc không diễn ra theo đúng định hướng ban đầu, nhưng bạn lại liên tục đưa ra lý do bào chữa, đổ lỗi mà không có bất cứ ý kiến xây dựng nào. Đây không phải “đổ thêm dầu vào lửa” hay sao?

Đồng thời, những lời bào chữa cũng gây ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn trong mắt cấp trên. Nếu bạn không thể tự giải quyết vấn đề cá nhân, khiến nó tác động xấu tới công việc, thì làm sao bạn có thể đảm đương trách nhiệm lớn?

Cách làm đúng ở đây là để lãnh đạo lên tiếng, nghiêm túc lắng nghe, không ngụy biện và không trốn tránh trách nhiệm. Nếu là lỗi của mình thì suy nghĩ và đề xuất cách khắc phục. Nếu không phải lỗi của mình thì tìm cơ hội riêng với lãnh đạo để báo cáo lại, ngôn từ phải súc tích, ngắn gọn.

Cách xử lý này sẽ không làm mất lòng cấp trên, cũng như không đổ lỗi cho người khác. Đây là cách tiếp cận đúng đắn.

02. “Tôi nghe nói…” – Vô tình hoặc cố ý gây mất đoàn kết tập thể

Đặt bản thân vào vị trí lãnh đạo, nếu bạn đang dẫn dắt một đội nhóm nhưng một thành viên trong đó không ngừng nói ra những điều gây chia rẽ tinh thần, khiến mọi người trong nhóm ganh ghét, đấu đá lẫn nhau. Bạn có cảm thấy vui hay không?

Câu trả lời đương nhiên là “Không”. Nhân vật đó cũng ngay lập tức được liệt vào “black list” trong lòng lãnh đạo.

Trong bất cứ công ty nào, sức mạnh của đội nhóm chỉ có thể bộc lộ hết khi mọi người đoàn kết với nhau. Nếu một mắt xích có vấn đề, đó sẽ là mắt xích cần phải thay thế ngay lập tức. Nếu không, tất cả đều sẽ mất đi sức mạnh, trở nên rệu rã và rỉ sét.

Tinh thần làm việc nhóm hiệu quả mới giúp mọi người cùng vượt qua mọi khó khăn và trở ngại, đặc biệt là đối với một công ty và một tập thể. Do đó, nếu bạn luôn nói những điều gây bất lợi cho đoàn kết, làm mất tinh thần chung thì chắc chắn bạn đang âm thầm “mất điểm” trong lòng cấp trên.

03. “Kể cho cái này hay lắm…” – Ngồi lê đôi mách

Dân công sở nên nhớ: Không đánh giá sau lưng, không tham gia nói xấu. Đây không phải là để bảo vệ người khác, mà là bảo vệ chính mình. Vì khi tham gia vào những cuộc “ngồi lê đôi mách”, bạn đã tạo ra một điểm yếu cho mình, đồng thời để mọi người xung quanh biết về điểm yếu đó.

Một ngày nào đó, những lời mà bạn nói ra sẽ được lan truyền đi khắp mọi nơi, đến tai đồng nghiệp, lãnh đạo, và thậm chí là chính đối tượng bị nói xấu. Khi họ biết rõ bạn là “tác giả” của những câu chuyện này, họ sẽ nghĩ gì về bạn?

Kết quả chắc chắn là điều mà không ai mong muốn. Do đó, hãy tự quản lý những gì mà mình nói ra để sau này không phải hối hận. Đừng biến câu nói thành vũ khí tổn thương người khác, cũng gây hại cho chính mình.

04. “À… thì… là… mà…” – Nói năng dài dòng, không logic

Ở nơi làm việc, không chỉ công việc phản ánh khả năng mà kỹ năng giao tiếp của bạn cũng là một cách để mọi người đánh giá. Đặc biệt là với lãnh đạo, giao tiếp công việc phải tập trung, rõ ràng về mặt logic và ngắn gọn bằng ngôn ngữ.

Đây là kỹ năng cần thiết và vô cùng quan trọng. Nếu hoàn thành tốt công việc nhưng không biết báo cáo thì ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bản thân, dễ gặp thiệt thòi.

Khi lãnh đạo đã dành thời gian để lắng nghe mà bạn không thể hiện thật tốt thì cơ hội sẽ vụt bay khỏi tầm tay. Cấp trên cũng không đọng lại ấn tượng gì đặc biệt về bạn. Thậm chí, với những ai khó tính, họ sẽ đánh giá bạn là người có khả năng biểu đạt rối rắm, tư duy thiếu logic.

Nguồn: https://soha.vn/o-chon-cong-so-ma-vo-tinh-noi-4-dieu-sau-bao-sao-de-lam-mat-long-lanh-dao-nguoi-eq-cao-khong-bao-gio-pham-phai-20220724112344156.htm

Có thể bạn quan tâm

Danh sách tài sản bị kê biên hé lộ thêm loạt BĐS đình đám liên quan bà Trương Mỹ Lan: Từ khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội đến Vietcombank Tower Saigon, Daewoo Hanoi…

Cơ quan điều tra cũng quyết định tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *