Hiện nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia, bao gồm cả nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu chứng nhận. Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Ngày 19-10, Bộ NN&PTNT có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo và kiến nghị đối với quản lý sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam.
Theo Bộ này, thời gian qua, Bộ đã tiến hành xây dựng và đăng ký sở hữu nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam ở Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Từ ngày 9-8-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice cho Bộ NN&PTNT và có hiệu lực trong 10 năm.
Sau đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Vietnam Rice tại Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống của Nghị định thư Madrid chỉ định đăng ký tại 20 quốc gia và khu vực (tổng số gồm 62 nước).
Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia.
Đến ngày 17-9-2018, nhãn hiệu Vietnam Rice đã được công bố trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Tuy nhiên do một số sơ suất của WIPO khi ghi nhận đăng ký, khi được công bố trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của WIPO và được thông báo tới các quốc gia thành viên, nhãn hiệu Vietnam Rice được ghi nhận là “Nhãn hiệu thông thường” mà không phải là “Nhãn hiệu chứng nhận”.
Do đó, Việt Nam đã yêu cầu WIPO phải đính chính lại thành Nhãn hiệu chứng nhận. Ngày 13-3-2019, WIPO đã xác nhận thực hiện việc đính chính này.
Theo quy định của WIPO và luật quốc gia của một số nước thành viên hệ thống Madrid, sau từ 3-5 năm kể từ ngày công nhận nhãn hiệu và cấp mã số bảo hộ mà không sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì sẽ bị tước quyền bảo hộ.
Do vậy Bộ NN&PTNT cho biết cần khẩn trương cấp nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice cho các đơn vị kinh doanh và xuất khẩu gạo. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp và các bên liên quan về việc sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới.
“Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam/Vietnam Rice cho các đơn vị kinh doanh và xuất khẩu gạo là cấp thiết nhằm nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam.
Điều này cũng tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời góp phần phòng chống hàng giả, hàng nhái Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” – Bộ NN&PTNT đánh giá.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tại nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia, bao gồm cả nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu chứng nhận. Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Để có cơ sở pháp lý cao nhất cho việc phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice theo trình tự thủ tục rút gọn (Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 1 Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Dự kiến những nội dung của dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice, cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, tiêu chí, tiêu chuẩn về quyền sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice…
A. Hiền
Theo https://plo.vn/kinh-te/than-toc-cap-nhan-hieu-chung-nhan-gao-viet-nam-1022723.html