Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng chung là 4,9% trong năm 2021, giảm so với 5,2% của dự báo trước đó.
Ngay cả khi bày tỏ sự lạc quan với nền kinh tế toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương, IMF vẫn hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á. Jonathan Ostry, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF, nói rằng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 cùng với nhiều biện pháp giãn cách xã hội mới đang làm giảm triển vọng kinh tế của một số nước Đông Nam Á.
“Chúng tôi đồng thời lo ngại cả về triển vọng du lịch, thời gian các thị trường mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách xã hội bổ sung trong bối cảnh dịch bệnh bất ngờ bùng phát ở một số quốc gia”, ông Ostry cho biết.
Theo biểu đồ dự báo GDP năm 2021 của IMF với khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia và Philippines là những nước sẽ tiếp tục phải thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội sau khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến thời gian qua. Việc tiêm chủng ở những quốc gia này cũng đang chậm hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thống kê từ Our World in Data cho thấy chỉ 3,76% dân số Indonesia được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 5,76%. Dữ liệu cũng cho thấy số người dân được tiêm vắc xin ở Malaysia và Philippines thấp hơn nhiều với lần lượt là 1,8% và 0,96% dân số.
Việc hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Nam Á được đưa ra khi IMF nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ 7,3% lên 7,6% cho năm nay. Quỹ này cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 5,5% lên 6%.
Ông Ostry nhận định các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đứng sau triển vọng tươi sáng của khu vực châu Á – Thái BÌnh Dương.
“Châu Á là một khu vực rất mở, hướng ngoại và sẽ có những lợi thế khi bức tranh tươi sáng hơn ở Mỹ, nhất là khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang theo đuổi các chương trình kích thích kinh tế tham vọng”, Ostry nói.
Với các nền kinh tế lớn khác của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 8,1%. Trong khi đó, Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 12,5%, nhanh hơn so với dự báo 11,5% được đưa ra trước đây.
Tuy nhiên, Ostry vẫn cảnh báo “nỗi lo lớn” với số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ. Tuần qua, quốc gia Nam Á này đã vượt Brazil để trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ chỉ được phát hiện ở một số bang hoặc khu vực nhất định. Đây chưa phải là một vấn đề mang tính toàn quốc.
Trong bối cảnh vắc xin Covid-19 chủ yếu chảy vào các nước giàu, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng sau đại dịch. 40% vắc xin chống Covid-19 được chuyển đến tay 27 nước giàu có, chiếm 11% dân số toàn cầu. Các nước giàu đang phổ cập vắc xin nhanh gấp 25 lần so với các quốc gia thu nhập thấp. Điều đó có nghĩa nhiều quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi từ đại dịch.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
https://cafef.vn/imf-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-cua-dong-nam-a-vi-covid-19-20210414152831539.chn