Việc gọi một nước là “thao túng tiền tệ” không đi kèm với bất kỳ chế tài phạt nào, tuy nhiên nó sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, sẽ từ chối gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong báo cáo bán niên của năm nay, theo những nguồn tin gần gũi với vụ việc được Bloomberg trích đăng. Động thái này sẽ cho phép nước Mỹ có thể tránh được xung đột với Bắc Kinh.
Theo Wall Street Journal, báo cáo này vẫn chưa được chốt những chi tiết cuối cùng. Báo cáo dự kiến công bố vào ngày thứ Năm, dù rằng kế hoạch này bản thân nó cũng chưa chắc chắn.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã bị cáo buộc chính trị hóa báo cáo sau khi tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ nhưng không theo bất kỳ mốc thời gian nào, và rồi 5 tháng sau đó lại hủy biện pháp này để buộc Trung Quốc nhượng bộ trong thỏa thuận thương mại.
Nữ phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận. Tỷ giá đồng nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài tăng sau thông tin trên, mức tăng ghi nhận 0,2% và chạm mức cao trong ngày 6,5462 nhân dân tệ/USD.
Nhóm làm việc của bà Yellen cũng đã bàn đến khả năng đảo ngược chính sách năm 2019 của chính quyền Trump, cụ thể nó liên quan đến việc hạ ngưỡng để quyết định liều nền kinh tế có đang thao túng tỷ giá đồng tiền của họ để giành lợi thế cạnh tranh hay không. Việc điều chỉnh này sẽ có thể khiến cho Mỹ giảm danh sách những nước mà Mỹ đang chỉ trích về chính sách tiền tệ giảm một nửa.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang muốn Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành vi thương mại thiếu công bằng của nước này, ngoài ra là nhiều vấn đề khác như vấn đề nhân quyền, cùng lúc đó, điều chỉnh lại các biện pháp thuế quan áp với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà chính quyền tiềm nhiệm đã đưa ra.
Việc gọi một nước là “thao túng tiền tệ” không đi kèm với bất kỳ chế tài phạt nào, tuy nhiên nó sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Theo luật, chính quyền sẽ cần phải hợp tác với các nước để giải quyết vấn đề mất cân bằng tỷ giá. Các chế tài phạt từ phía Mỹ, ví dụ như việc không được tham gia vào các hợp đồng liên quan đến chính phủ Mỹ, sẽ có thể được áp dụng trong vòng 1 năm sau khi nhãn này được loại bỏ.
Dù rằng Trung Quốc sẽ tránh được việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ trong thời gian tới, quan chức Bộ Tài chính Mỹ lo ngại về khả năng Trung Quốc đang che giấu các biện pháp can thiệp tiền tệ thông qua các hoạt động tại ngân hàng nhà nước. Trong phiên điều trần vào tháng 1/2021, bà Yellen nói rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên phản đối việc những nước khác “chơi trò chơi” với đồng nội tệ của họ.
Theo Trung Mến
Bizlive
https://cafef.vn/my-co-the-ha-tieu-chi-danh-gia-thao-tung-tien-te-trong-thoi-gian-toi-20210413100329481.chn