Kẻ gian tìm hiểu nạn nhân trong thời gian dài để nắm thông tin cá nhân sau đó giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án gọi điện thoại đe doạ, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 9/2020, một phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được cuộc điện thoại từ người tự xưng nhân viên tư pháp đang điều tra vụ án lớn với nhiều người liên quan trong đó có bà. Người gọi đưa ra thêm nhiều thông tin cá nhân kèm lời doạ dẫm khiến bà hoảng sợ.
Bà được yêu cầu lập một tài khoản để chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm sang tài khoản mới để cơ quan chức năng bảo vệ tài sản cho gia đình. Mong muốn được bảo vệ, bà ra ngân hàng lập hai tài khoản và chuyển 13 tỷ đồng sang đó. Khi được đề nghị cung cấp mã OTP phục vụ phong toả tài khoản, nạn nhân làm theo và chỉ sau ít phút đã bị chiếm đoạt 13 tỷ đồng. Lúc này, bà mới phát hiện lừa nên trình báo cảnh sát.
Mới đây nhất, ngày 15/1, một phụ nữ ở TP HCM nhận được điện thoại từ số lạ tự xưng là cán bộ công an. Bà bị kẻ lạ mặt đe doạ, gây áp lực nên tự nguyện chuyển 3 tỷ đồng vào tài khoản do chúng đưa ra.
Đây chỉ hai trong rất nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả mạo cơ quan tư pháp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, công an các tỉnh trên cả nước đã tiếp nhận 776 vụ lừa đảo do người dân tố giác với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công an thống kê, thủ đoạn lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án để chiếm đoạt tài sản chiếm trên 65% số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hà Nội trong 6 tháng cuối năm 2020 xảy ra 88 vụ lừa đảo như trên với tổng số tiền hơn 67 tỷ đồng. Trong đó, Công an thành phố đã ngăn chặn 41 vụ, thu hồi 17,8 tỷ đồng.
Trung tá Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, thủ đoạn này không mới nhưng cách thức rất tinh vi khiến nhiều người mắc bẫy. Nhóm phạm tội có đặc điểm chung thường sử dụng phần mềm công nghệ cao cùng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng internet, giả danh số điện thoại.
Khi kẻ gian gọi bằng ứng dụng này, trên điện thoại nạn nhân sẽ hiện ra số công khai của công an, viện kiểm sát, toà án. Bởi vậy, nhiều người tin ngay vì đúng là số của nhà chức trách. Nắm được “con mồi”, chúng sẽ viện cớ đang điều tra nghi vấn liên qun vụ án. Đây là điểm yếu nhất của những người bị đe doạ.
Sau đó, chúng yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt, số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn. Lấy lý do giữ bí mật điều tra, kẻ gian buộc nạn nhân không tiết lộ sự việc với gia đình, nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.
Theo trung tá Cường, không phải ngẫu nhiên nhiều người dễ dàng bị lừa số tiền lớn như vậy bởi kẻ gian đã có thời gian dài để tìm hiểu nạn nhân, nguồn tài sản. Chúng dùng các phương thức như hack tài khoản mạng xã hội, giám sát tài khoản ngân hàng, theo dõi đời tư….
“Có trường hợp, nạn nhân là người hiểu biết, làm trong lĩnh vực tiền tệ song vẫn bị kẻ gian giả danh công an đe doạ. Mấu chốt là chúng biết nạn nhân từng bị triệu tập trong một vụ án lừa đảo. Tuy nhiên rất may do ngân hàng kịp thời phong toả lệnh chuyển tiền nên nạn nhân bảo toàn được số tiền lớn”, trung tá Cường nói.
Tuy nhiên, nhiều bị hại không có điểm yếu nhưng trước lời đe dọa, thúc giục của kẻ xấu đã lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết hành vi lừa đảo.
Nhà chức trách khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, tín dụng như tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng nếu không thể kiểm chứng. Khi bị hù dọa, yêu cầu chuyển tiền, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp giải quyết.
“Hơn nữa, các cơ quan tư pháp không làm việc qua điện thoại. Kể cả trong trường hợp nhận được giấy triệu tập, lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam… người dân không nên hoang mang. Theo quy định, những việc này không trao đổi qua điện thoại mà phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan tư pháp và ít nhất đều phải thông qua chính quyền địa phương”, ông Cường nói.
https://vnexpress.net/giai-ma-thu-doan-goi-dien-thoai-gia-danh-co-quan-tu-phap-4233416.html