Theo Coinmarketcap, vốn hóa thị trường tiền số hiện ở mức 959,53 tỷ USD, giảm từ 1,1 nghìn tỷ USD trong 1 ngày trước.
Bitcoin và các đồng tiền số khác đã rớt giá, xóa sạch khoảng 170 tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường tiền điện tử. Theo Coinmarketcap, vốn hóa thị trường tiền số hiện ở mức 959,53 tỷ USD, giảm từ 1,1 nghìn tỷ USD trong 1 ngày trước.
Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 11% so với một ngày trước đó xuống còn 35.828,06 USD. Trong khi đó, Ether, đồng tiền lớn thứ hai, giảm khoảng 15% xuống 1.126,72 USD.
Xu hướng bán tháo tiền số diễn ra sau một đợt phục hồi mạnh mẽ và dường như đây là dấu hiệu cho thấy một số nhà đầu tư đã chốt lời. Trong 12 tháng qua, Bitcoin vẫn ghi nhận đà tăng hơn 340% và tuần trước cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, gần chạm ngưỡng 42.000 USD.
Theo nhiều chuyên gia, sự trỗi dậy của Bitcoin được thúc đẩy nhờ một số yếu tố bao gồm việc nhà đầu tư tổ chức lớn chi mạnh hơn cho đồng tiền này. Ngoài ra, Bitcoin còn được so sánh là “vàng kỹ thuật số”, là hầm trú ẩn tiềm năng, hàng rào chống lạm phát và sự phòng vệ trước một đồng USD đang yếu đi.
Một yếu tố khác giúp hỗ trợ đà tăng của Bitcoin trong thời gian vừa qua là những người ủng hộ đồng tiền số giữ vững niềm tin rằng giá của nó sẽ tiếp tục tăng, bởi Bitcoin đang nhận được sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của những công ty lớn như PayPal và Square, hay sự quan tâm lớn từ những nhà đầu tư nổi tiếng như Paul Tudor Jones hay Stanley Druckenmiller.
Chưa dừng ở đó, trong một nghiên cứu gần đây, JPMorgan cho biết giá Bitcoin có thể đạt 146.000 USD trong dài hạn, bởi đồng tiền này cạnh tranh với vàng như một loại tiền tệ “thay thế”. Tuy nhiên, các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư lưu ý rằng diễn biến của Bitcoin cần phải ổn định hơn đáng kể để đạt được mức giá này, khi đồng tiền này thường chứng kiến những lần biến động cực kỳ mạnh.
Trong khi đó, một số chuyên gia với quan điểm không ủng hộ Bitcoin đã đưa ra những lời cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn. Chẳng hạn như David Rosenberg, nhà kinh tế và chiến lược gia tại Rosenberg Research – đã gọi Bitcoin là quả bong bóng. Ông khẳng định rằng việc giá Bitcoin tăng mạnh là hiệu ứng đám đông và có thể sẽ khiến một số nhà đầu tư lo ngại khi giá biến động khó lường.
Gần đây, giám đốc chiến lược đầu tư Michae Hartnett của Bank of America Securities, cũng nhận định rằng đợt tăng giá bùng nổ của Bitcoin có thể là một cơn sốt đầu cơ điển hình và quả bong bóng đang hình thành dường như là “mẹ của mọi bong bóng tài sản khác”.
Ngoài ra, ông Hartnett còn nhắc đến đợt tăng giá hơn 400% của vàng vào cuối thập niên 1970, cơn sốt chứng khoán Nhật Bản diễn ra ở cuối thập niên 1980, bong bóng chứng khoán Thái Lan giữa thập niên 1990, bong bóng dotcom ở Mỹ cuối những năm 1990, và bong bóng giá nhà ở Mỹ trong giữa thập niên 2000. Trong giai đoạn đỉnh điểm, tất cả những tài sản kể trên đều đạt mức tăng 3 con số trước khi lao dốc kinh hoàng. Dẫu vậy, theo vị chuyên gia, mức tăng của các loại tài sản kể trên trong thời kỳ bong bóng đều chưa là gì nếu so với tốc độ tăng giá trong khoảng thời gian vừa qua của Bitcoin.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá dài hạn của Bitcoin vẫn còn là . Tuần trước, Chamath Palihapitiya của Social Capital cho biết giá Bitcoin có thể vượt ngưỡng 100.000 USD. Chia sẻ với CNBC, ông nhận định: “Mức giá có thể sẽ lên tới 100.000 USD, sau đó là 150.000 USD, rồi 200.000 USD. Có thể sẽ mất khoảng 5 hoặc 10 năm, nhưng Bitcoin sẽ chạm mức đó.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
https://doanhnghieptiepthi.vn/bitcoin-lao-doc-von-hoa-thi-truong-tien-so-ngay-lap-tuc-mat-170-ty-usd-161211101172332482.htm