Tôi mua một chiếc xe máy qua trang điện tử bán đồ cũ. Chỉ khi bị tạm giữ do vi phạm giao thông, tôi mới biết chiếc xe là tang vật một vụ trộm cắp. (Đỗ Linh)
Trong trường hợp này, tôi bị liên đới ra sao?
Luật sư tư vấn
Trong trường hợp của bạn do bạn không biết được chiếc xe bạn mua là tang vật một vụ trộm cắp nên bạn không hề liên quan đến vụ việc trên vì bạn chỉ là người thứ ba ngay tình.
Theo khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba vô hiệu. Trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền, hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản so bản án quyết định bị hủy, sửa.”
Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu cụ thể: trong trường hợp bạn đã tiến hành đăng ký quyền sở đối với chiếc xe máy trên và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì chiếc xe máy trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bạn.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và tránh những rủi ro trong giao dịch dân sự bạn cần phải tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của chiếc xe, xe có giấy tờ hợp pháp không, có trong tình trạng đang bị cầm cố thế chấp hay không, xe có thuộc trường hợp đang bị tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thi hành án không.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội