Mặc dù sự phục hồi trong quý 4 giúp giảm bớt những tác động tồi tệ của đại dịch Covid-19 nhưng Singapore vẫn hứng chịu một năm tồi tệ chưa từng có trong lịch sử.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết nền kinh tế này suy giảm 5,8% trong năm 2020 so với năm 2019. Đây là mức sụt giảm tồi tệ chưa từng có ở quốc đảo này. Tuy nhiên, nó vẫn ít hơn so với dự báo sụt giảm 6 đến 6,5% được đưa ra trước đó.
Nền kinh tế Singapore suy giảm ít hơn so với dự kiến trong quý 4/2020 sau khi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa virus lây lan được hạn chế. Trong quý cuối cùng của năm, nền kinh tế Singapore đã giảm 3,8% so với 1 năm trước đó, cải thiện đáng kể so với mức sụt giảm 5,6% của quý 3.
Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore chịu ảnh hưởng của một loạt các tai ương khi cả thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để làm chậm sự lây lan của virus corona. Trong nước, Singapore chính thức tiến hành các biện pháp phong tỏa trong tháng 4 và từng bước gỡ bỏ chúng vào tháng 6 mặc dù một số biện pháp vẫn được duy trì, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Việc nới lỏng các biện pháp này giúp nền kinh tế hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch vẫn kéo dài cho tới quý cuối cùng của năm 2020.
Trong quý 4, một loạt số liệu khả quan mở ra triển vọng phục hồi cho Singapore. Sản xuất hàng hóa công nghiệp đã tăng 3,3% so với một năm trước, trong đó công nghiệp chế tạo tăng tới 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng vẫn ghi nhận mức giảm theo quý thứ 4 liên tiếp. Các ngành dịch vụ tiếp tục suy giảm trong quý 4.
Tuy nhiên, việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại trên toàn cầu có thể mang đến những triển vọng không mấy sáng sủa cho kinh tế Singapore nói riêng và kinh tế châu Á nói chung. Hiện tại, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở châu Á vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với ở châu Âu và Mỹ nhưng đối với nhiều nước, đợt bùng phát này lại tồi tệ hơn so với những gì họ từng trải qua kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, vốn được coi là những hình mẫu chống dịch thành công, cũng đang phải oằn mình chống chọi với đợt tái bùng phát mới. Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia là những nước đang chứng kiến virus corona bùng phát mạnh mẽ. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm lần đầu tiên vượt 3.000 ca mỗi ngày.
Hàn Quốc, một quốc gia từng thành công khi vừa chống dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh tế, cũng đã yêu cầu cấm các cuộc tụ họp từ 5 người trở nên và đóng cửa các khu trượt tuyết và du lịch thể thao mùa đông. Việc đóng cửa chắc chắn sẽ tạo ra những tác động đối với nền kinh tế.
Trên toàn thế giới, mặc dù đã có vắc xin phòng chống Covid-19 nhưng tốc độ tiêm chủng chậm trong khi virus liên tục biến đổi, tạo ra những chủng siêu lây nhiễm khiến tình hình chung vẫn chưa mấy khả quan. Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 20 triệu người nhiễm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị (https://doanhnghieptiepthi.vn/dai-dich-covid-19-khien-kinh-te-singapore-suy-thoai-chua-tung-co-trong-nam-2020-161210401093421909.htm)