Siêu lừa bán ‘miền đất hứa’ cho giới nhà giàu

Năm 1821, Gregor MacGregor cho giới nhà giàu châu Âu “ăn bánh vẽ” về miền đất hứa trù phú ở tân thế giới.

Sinh năm 1786, Gregor MacGregor xuất thân trong gia đình danh giá ở Scotland, 16 tuổi gia nhập Lục quân Anh và bỏ tiền mua chức đội trưởng. Sau 8 năm, MacGregor xin xuất ngũ vì mâu thuẫn cá nhân.

Ít lâu sau, MacGregor bắt đầu để lộ tính cách phô trương, tự phong tước hiệu Hiệp sĩ và thường dạo phố trên chiếc xe ngựa sang trọng. Nhưng những nỗ lực này vẫn không thể giúp MacGregor đặt chân vào giới thượng lưu Anh.

Gregor MacGregor. Ảnh: National Portrait Gallery.

Gregor MacGregor. Ảnh: National Portrait Gallery.

Cuối năm 1811, vợ qua đời, MacGregor cũng mất đi nguồn hỗ trợ tài chính lớn từ bố mẹ vợ giàu có. MacGregor bán tài sản ở quê nhà Scotland và lên đường khám phá châu Mỹ – tân thế giới.

MacGregor đặt chân tới Venezuela, gặt hái được một số thành công trong quân sự nhờ kinh nghiệm có được trong thời gian gia nhập Lục quân Anh. Năm 1820, MacGregor tình cờ bắt gặp một vùng đất cằn cỗi và hẻo lánh tại bờ biển Nicaragua (Honduras hiện tại). Thấy MacGregor tỏ ra hứng thú với miếng đất vô giá trị, người dân ở đây nhượng cho ông ta khu vực có diện tích 8 triệu acre (khoảng 3,2 triệu ha) để đổi lấy trang sức và rượu. MacGregor sau đó đặt tên cho mảnh đất là “quốc gia Poyais”, tự xưng là lãnh đạo hoàng gia.

Một năm sau, câu chuyện về vùng đất mới được MacGregor mang về London. Danh tiếng có được tại Venezuela cùng tính cách lôi cuốn của MacGregor khiến câu chuyện của ông ta được nhiều người quan tâm.

MacGregor khẳng định Poyais là “mỏ vàng” tự nhiên. Người bản địa nơi đây không chỉ thân thiện mà rất yêu quý người Anh. Đất đai Poyais có khí hậu ôn hòa và màu mỡ, có thể cho ba vụ ngô mỗi năm. Nguồn nước dồi dào và tinh khiết, dọc những con suối còn lấp lánh ánh kim của quặng vàng chỉ chờ được khai thác.

Dưới lời kể của MacGregor, vùng đất Poyais hẻo lánh được tô vẽ là nơi tập trung đông đúc của nhiều người dân. Nơi đây thậm chí còn có thành phố thủ đô riêng với hệ thống chính quyền và ngân hàng đã đi vào hoạt động. Cảnh tượng trong mơ của Poyais cứ thế hiện ra.

MacGregor bỏ nhiều công sức để tăng độ tin cậy cho “lời chào hàng”. Ông ta đẩy mạnh quảng bá, làm ra nhiều giấy tờ, tư liệu có vẻ chính thống, trong đó có cuốn cẩm nang về Poyais dày 355 trang do một nhà thám hiểm hư cấu làm tác giả. Với nội dung chứa nhiều thông tin, hình ảnh, và các bản khắc về Poyais, cuốn cẩm nang được bán với số lượng hàng nghìn bản tại London (Anh) và Ediburgh (Scotland).

Ảnh minh họa trong cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch tới Poyais, quốc gia do MacGregor hư cấu. Ảnh: Wikimedia Commons.

Ảnh minh họa trong cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch tới Poyais, quốc gia do MacGregor hư cấu. Ảnh: Wikimedia Commons.

Dường như MacGregor đã chọn đúng thời điểm để tung chiêu lừa đảo. Vào đầu những năm 1800, việc vẽ bản đồ còn chưa chính xác, biên giới các quốc gia Nam Mỹ cũng liên tục thay đổi nên ít người có thể chứng minh Poyais không tồn tại. Ngoài ra, MacGregor cũng biết đánh vào tâm lý người dân Scotland, vốn ghen tị với láng giềng Anh vì họ chưa có thuộc địa nào.

Sau khi thu hút được dư luận, MacGregor lập văn phòng tại London và Edinburgh để bán đất ở Poyais với giá hai shilling (một shilling bằng 1/12 đồng bảng Anh) cho một acre (khoảng 0,4 ha). Nhu cầu mua đất Poyais lập tức tăng vọt.

Khi ngày càng nhiều người xếp hàng mua đất, MacGregor lần lượt tăng giá lên bốn shilling rồi 6 shilling một acre. Bên cạnh bán đất, MacGregor còn tổ chức niêm yết trái phiếu chính phủ Poyais trên sàn giao dịch chứng khoán và bán tiền tệ giả. Những chiêu trò này giúp MacGregor thu được 200.000 bảng.

Trò lừa đảo của MacGregor không dừng lại ở đó. Dưới sự sắp xếp của ông ta, hai con tàu đã khởi hành lần lượt từ Anh và Scotland vào năm 1822-1823, mang theo hơn 200 người mang hy vọng định cư “miền đất hứa”.

Tuy nhiên, cảnh tượng đập vào mắt “công dân Poyais” sau gần hai tháng trên biển hoàn toàn khác xa những gì họ được MacGregor hứa hẹn. Nơi đây không có bến cảng, thị trấn, hay đường xá, người bản địa không hung dữ nhưng cũng không thân thiện. Đoàn “công dân Poyais” tương lai ban đầu còn tưởng tàu tới nhầm địa điểm.

Trong lúc chờ làm rõ vấn đề, đoàn người định cư dỡ đồ xuống tàu. Hoàn cảnh lúc đầu không đến nỗi nào vì họ có công cụ để phát quang rừng rẫy và dựng trại. Trong đoàn có hai bác sĩ với thuốc men đầy tủ. Lương thực có đủ cho 12 tháng, trong rừng có cây ăn quả, chim muông và lợn rừng, dưới sông có đầy cá.

Nhưng tình hình xấu dần chỉ sau vài ngày. Một số người trong đoàn đã quen làm công việc bàn giấy không chịu giúp dựng trại. Các chuyến săn bắt và đánh cá không thành công vì thiếu sự tổ chức. Không có người lãnh đạo, đoàn người cũng bắt đầu tranh giành khẩu phần ăn. Mùa mưa ập tới khiến nhiều người bị mắc bệnh sốt rét và sốt vàng da.

Khi được một con tàu đi qua giải cứu vào tháng 5/1823, đoàn hơn 200 người từng ôm hy vọng vào Poyais nay chỉ còn lại một phần ba. Tin tức này khiến Hải quân Anh phái tàu đuổi theo và kịp thời gọi lại 5 con tàu vừa khởi hành hướng về “miền đất hứa”.

Tờ tiền giả của Poyais. Ảnh: National Museum of American History at the Smithsonian.

Tờ tiền giả của Poyais. Ảnh: National Museum of American History at the Smithsonian.

Trước khi những người sống sót trở về Anh, MacGregor đã cao chạy xa bay tới Paris (Pháp). Tại đây, ông ta thực hiện chiêu lừa đảo tương tự và thành công gọi được 60 người góp vốn.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Paris lập tức mở cuộc điều tra khi thấy nhiều công dân xin hộ chiếu tới Poyais, quốc gia không ai có thể chứng minh là thật. Tới cuối năm 1825, MacGregor cùng đồng bọn bị bắt giữ về âm mưu lừa đảo.

Phiên tòa xét xử MacGregor bị trì hoãn nhiều lần. Tới khi phiên xử diễn ra vào tháng 4/1826, cáo buộc của chính quyền Pháp với MacGregor bị suy yếu nghiêm trọng vì thiếu nhiều tài liệu mấu chốt. Với sự trợ giúp của luật sư, MacGregor cuối cùng được tuyên trắng án và trả tự do. Đồng phạm của ông ta phải chịu mọi trách nhiệm.

Trong những năm sau, MacGregor vẫn cố gắng thực hiện một số chiêu lừa đảo khác nhưng phần lớn đều thất bại. Sau khi vợ hai qua đời vào năm 1838, MacGregor trở lại Venezuela và định cư ở thủ đô Caracas để tránh bị nạn nhân tìm tới đòi nợ.

Do trước đó từng chiến đấu cho Venezuela, MacGregor được trao quốc tịch của nước này, được khôi phục cấp bậc trong quân ngũ và hưởng hưu trí. Sau khi chết vào năm 1845, ông ta được chôn cất với đầy đủ nghi lễ danh dự của nhà binh.

Tới nay, phần lãnh thổ ở bờ biển Nicaragua từng được MacGregor tô vẽ là “miền đất hứa” vẫn chưa được khai thác. Tên của ông ta cũng không được nhắc tới trên phiến đá tưởng nhớ dòng họ MacGregor ở Scotland.

Quốc Đạt (Theo Economist, History)

https://vnexpress.net/sieu-lua-ban-mien-dat-hua-cho-gioi-nha-giau-4200545.html

Có thể bạn quan tâm

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *