Rao bán tràn lan
Văn bản của UBND phường Tân Thới Nhất nêu rõ, thời gian gần đây trên địa bàn phường xuất hiện tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản rao bán về dự án nhà ở xã hội Lê Minh – Bộ Công an do Công ty Lê Minh kết hợp Bộ Công an làm chủ đầu tư.
UBND phường Tân Thới Nhất khẳng định, hiện trên địa bàn không có dự án nhà ở xã hội nào của Công ty Lê Minh được triển khai. Theo đó, UBND phường này thông báo đến người dân sống trên địa bàn phường và các khu vực lân cận tránh để kẻ xấu lừa đảo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh – Bộ Công an được quảng bá có tổng diện tích quy hoạch 25.787m2, mật độ xây dựng 37%, quy mô 4 tòa với 15 tầng và 1.540 căn hộ chung cư.
Dự án cũng được quảng bá là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước (có thể trung ương hoặc địa phương) hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ dành cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như công chức của nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp… và được cho thuê hoặc cho ở với ưu thế giá rẻ so với sản phẩm thương mại trên thị trường.
Nhiều đơn vị đang rao báo dự án ma Lê Minh – Bộ Công an
Hiện, một số sàn đang rao bán căn hộ tại dự án “ma” này có thể kể đến như Anh Vũ Land, Thuận Hùng Group, Pigroup.vn…
Trước đó, đại diện Công ty TNHH Lê Minh cũng đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng tố cáo việc một số sàn môi giới giả mạo công ty để rao bán dự án khu tái định cư 38ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12 của Lê Minh với tên gọi dự án căn hộ xã hội Lê Minh – Bộ Công an.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, dự án chung cư Lê Minh thực tế là một dự án thành phần trong khu tái định cư 38ha, hiện đang được công ty hoàn tất thủ tục pháp lý, chưa giới thiệu cũng như rao bán trên thị trường.
Minh bạch thông tin dự án
Trước đó, trên địa bàn TP HCM liên tiếp xuất hiện các đơn vị rao bán “dự án ma” nhằm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của khách hàng. Đơn cử như trường hợp Công ty Bất động sản Phát An Gia vẽ ra 5 dự án, lập bản vẽ phân thành 193 nền đất để ký kết hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng, chiếm đoạt hơn 97 tỷ đồng. Hay Công ty CP Xây dựng địa ốc Bất động sản Thiên Ân vẽ ra các dự án ma bán đất và thu tiền cọc của khách hàng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng….
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết phía hiệp hội đã đưa ra những cảnh báo về việc rao bán dự án “ma” ngay từ năm 2017. Tình trạng các dự án “ma” được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu lậu, công ty bất động sản hoạt động bất lương, bất chấp thủ đoạn để chèo kéo, thậm chí lừa đảo khách hàng.
Ông Châu cảnh báo người dân có nhu cầu mua đất mua nhà cần quan tâm lưu ý đến uy tín thương hiệu của chủ đầu tư; phải kiểm tra kỹ lưỡng pháp lý dự án, các loại giấy tờ đất đai, giấy phép xây dựng; xem đất có bị thế chấp hay không, đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng…
Đặc biệt, khách hàng nhất định phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhấn mạnh, để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng pano, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP.HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa làm.
“Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính” – Luật sư Hà bày tỏ quan điểm.
Diễn đàn doanh nghiệp (https://enternews.vn/canh-bao-du-an-ma-gan-mac-bo-cong-an-186965.html)