Startup Sokfarm đến từ Trà Vinh vừa xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 do BSA phối hợp cùng các đối tác tổ chức. Nếu tính trong 4 mùa giải gần nhất, các startup trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ miền Nam đang tỏ ra thắng thế khi có 4/5 nhà vô địch.
Startup Sokfarm từ Trà Vinh lên ngôi trong mùa giải 2020
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 vừa kết thúc với chiến thắng tuyệt đối của startup Sokfarm – đến từ Trà Vinh.
Theo đó, dự án Mật hoa dừa Sokfarm của Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi (Trà Vinh) xuất sắc giành giải nhất, nhận 50 triệu đồng tiền mặt. Dự án khởi nghiệp hơn 2 năm tuổi này được đánh giá cao bởi nó mang lại nhiều giá trị cho đồng bào người Khmer tại Trà Vinh. Vợ chồng Đình Ngãi và Chal Thi đã áp dụng kinh nghiệm truyền thống và khoa học kỹ thuật hiện để vào khai thác lẫn sản xuất, thành công nâng cao giá trị cho mật hoa dừa, một sản phẩm truyền thống của đồng bào thiểu số khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Loại mật hoa dừa thường có vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, rất thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Mật tiết ra từ hoa dừa được cô đặc thành mật, đường và nhiều sản phẩm khác giúp tăng giá trị kinh tế.
Dù có tuổi đời còn non trẻ, song nhờ sự hỗ trợ của một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn thiện ở miền Nam, Sokfarm đang đi khá nhanh.
Không chỉ đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường; Sokfarm còn đầu tư các công nghệ, máy móc để sản xuất như máy thanh trùng, máy ngào, máy làm nguội, đóng gói theo tiêu chuẩn 1 chiều… Qua đó, Sokfarm có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nhà xưởng của startup này được xây dựng và hoạt động theo chuẩn HACCP, sản phẩm đạt chứng nhận ISO 22000 – 2018, được cấp chứng nhận FDA Hoa Kỳ để xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tại, mỗi tháng startup này có doanh thu gần 500 triệu đồng.
Các dự án đoạt giải trong mùa 2020 đang chụp ảnh cùng Ban Giám khảo.
Về nhì là 2 dự án ‘Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên’ của Lê Ngọc Thảo – Tiền Giang và ‘Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang’ của Sùng Mí Phìn – Hà Giang. 3 giải 3 gồm: dự án ‘Gối thảo dược người Dao’ của Lý Thị Quyên, dự án ‘Chăn nuôi và chế biến gà vi sinh’ của Ngô Thị Thanh Tâm (cùng tỉnh Bắc Kạn); dự án ‘Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây Tam thất trồng ở Simacai’ của Giàng Seo Châu – Lào Cai.
Miền Nam vẫn thắng thế trong mảng khởi nghiệp nông nghiệp
Chưa hết, khi nhìn lại những cái tên thắng cuộc giải đấu này kể từ năm 2017, chúng ta có thể thấy các startup miền Nam vẫn đang thắng thế trong mảng nông nghiệp.
Năm 2017, nhà vô địch là dự án ‘Than không khói’ của Lê Thị Hiền đến từ TP. HCM, năm 2018 xuất hiện 2 nhà vô địch là dự án ‘Du lịch phát triển tài nguyên bản địa – CT2’ của Võ Văn Phong – Bến Tre và dự án ‘Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc’ của Đặng Thị Huyền My – Sơn La, năm 2019 là dự án ‘Bột rau sấy lạnh’ của Nguyễn Ngọc Hương – TP. HCM.
Như thế, 4/5 người thắng cuộc đến từ miền Nam và 1 đến từ miền Bắc trong khi không có cái tên nào đến từ miền Trung. Trừ năm 2018, những mùa còn lại, dù đã có rất nhiều ‘chiến binh’ từ miền Bắc vào Nam tham dự giải đấu, song hầu hết đều ngậm ngùi về nhì/ba hoặc đoạt các giải phụ khác.
Dự án du lịch C2T của Võ Văn Phong – Bến Tre và “Gà nướng chẩm chéo” của Đặng Thị Huyền Mi – Sơn La nhận giải nhất cá nhân và giải nhất nhóm.
Năm 2017, những startup đoạt các giải còn lại bao gồm: hai giải nhì thuộc về các dự án ‘Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân’ của Nguyễn Văn Tuấn – Bắc Cạn và dự án ‘Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh’ của Trần Phúc Hậu – Bến Tre; dự án ‘Vườn sinh thái Ngọc Trà’ của Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thái Nguyên và dự án ‘Hồ tiêu ngũ sắc’ của Lại Thị Bích – Gia Lai đồng hạng 3.
Năm 2019, startup có tên trên bảng vàng còn lại gồm: hai giải nhì thuộc về dự án ‘Sản xuất Snack dinh dưỡng cao từ da cá da trơn’ của Trương Lê Huy Hoàng – Đồng Tháp và dự án ‘Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước” của Phan Minh Tiến – TP. HCM; 3 giải 3 gồm dự án ‘Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường’ của Nguyễn Thị Ngọc Như – Bến Tre, dự án ‘Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông – Mường Bon’ của Giàng A Dạy – Sơn La, dự án ‘FAGO 4.0 nông dân bứt phá’ Phạm Hồng Sơn – Hưng Yên.
Ngoài ra, càng về sau này, chúng ta càng thấy các startup tham gia giải đấu không còn ở giai đoạn ý tưởng hoặc mò mẫm tìm kiếm thị trường mà đã có doanh thu và lợi nhuận, thậm chí còn xuất khẩu qua nước ngoài như các sản phẩm bột rau sấy lạnh của nhà vô địch 2019 đã đi châu Âu hay sản phẩm từ mật hoa dừa của Sokfarm sắp đi Mỹ.
“Một vài năm gần đây, nhất là cuộc thi năm 2020, các thí sinh có năng lực vượt trội, nhất là về mặt hiểu biết công nghệ, ứng dụng công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường theo một kênh tiêu thụ mới, phù hợp… Cộng hưởng thêm nhu cầu về thị trường, sự quan tâm của các cơ quan – như TW Đoàn, hội tụ đủ các yếu tố giúp các startup đi nhanh hơn trên con đường dẫn đến sự thành công.
Việc năng lực của thí sinh tăng lên đáng kể là nhờ sự đào tạo bài bản của các chuyên gia và thí sinh còn được trải nghiệm qua nhiều thị trường, như tham gia Phiên chợ Xanh tử tế, hoặc các chương trình đưa nhiều bạn khởi nghiệp vào để giới thiệu sản phẩm…“, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, vị giám khảo quen mặt của cuộc thi nhận định.
http://ttvn.toquoc.vn/nhin-tu-mot-cuoc-thi-khoi-nghiep-cho-thanh-nien-nong-thon-cac-startup-mien-nam-dang-thang-the-trong-mang-nong-nghiep-52020171184143591.htm