Trên trang web Amazon Mỹ, mỗi chiếc chổi đót giá có 20 USD (khoảng 460.000 đồng), gáo dừa có giá 8 USD (gần 180.000 đồng). Còn trên Amazon UK, 1 chiếc giỏ mây có thể được bán với giá 3,5 triệu đồng,… Nhiều mặt hàng xuất xứ Việt Nam đang được bán trên Amazon với giá cao gấp 10-15 lần giá bán ở trong nước. Tương lai “không cần ra chợ vẫn bán được hàng” của người dân Việt Nam có lẽ không còn xa.
Mỹ là một thị trường lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm – cao hàng đầu thế giới, cùng với văn hóa tiêu dùng, tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Theo chia sẻ của đại diện Amazon tại Việt Nam trong hội nghị thương mại điện tử tổ chức hồi đầu tháng 11, chổi đót, đèn lồng, giỏ mây có xuất xứ từ Việt Nam,… ra thế giới giờ đây không còn khó nữa. Doanh nghiệp có thể ngồi nhà nhưng vẫn tiếp cận được 300 triệu khách hàng của Amazon trên toàn thế giới. Chỉ cần chuyển hàng vào kho của Amazon, việc còn lại của doanh nghiệp đơn giản là đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng, không cần lo vận chuyển, chăm sóc khách hàng.
Hiện “gã khổng lồ” về thương mại điện tử này có hệ thống hạ tầng giao vận lớn nhất toàn cầu với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, 100.000 robot và 40 máy bay tham gia giao hàng. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định: “Quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới, tạo xu hướng mới trong tiêu dùng và kinh doanh toàn cầu. Chúng ta có thể ngồi tại Việt Nam kinh doanh tại Mỹ và châu Âu thông qua nền tảng điện tử của Amazon”.
Ông Thủy cũng lưu ý, còn rất nhiều việc mà các doanh nghiệp phải tìm hiểu, áp dụng để có thể xuất khẩu thành công bởi kiến thức kinh doanh trên kênh thương mại điện tử tương đối khác so với kênh truyền thống. Theo đó, phải xây dựng kế hoạch kinh doanh đầy đủ, sản phẩm phải được sự chấp nhận của người tiêu dùng.
“Hiện khi gặp sự cố tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, khi hàng đã sang tới Mỹ, chỉ có những đơn vị có công ty, chi nhánh tại Mỹ mới có thể hỗ trợ được. Thế mạnh của Tập đoàn T&T Group với T&T Mỹ sẽ là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường xuất khẩu trọng điểm này”, ông Vinh chia sẻ.
Về chương trình cụ thể, ông Vinh cho biết, trước mắt, trong 3 tháng đầu năm 2021, T&T Mỹ sẽ cung cấp gói tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp để giải quyết sự cố khi lưu kho theo hình thức FBA; đồng thời, tư vấn miễn phí về nghiên cứu thị trường trong 1 năm đầu tiên, hỗ trợ miễn phí kết nối với các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ, nhà cung cấp, luật sư quốc tế, vận chuyển, môi giới hải quan và giảm 50% phí tư vấn thành lập Doanh nghiệp, Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2021.
Ngoài ra, theo nội dung đã thỏa thuận, Amazon Global Selling, T&T Group và Ngân hàng SHB đã và sẽ tiếp tục thành lập các chuỗi Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tại tất cả các điểm giao dịch của SHB trên toàn quốc, cũng như hợp tác với đối tác thanh toán Payoneer để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon thực hiện các giao dịch thanh toán. Trong đó, SHB sẽ hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi 3000 tỷ cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon; Các khách hàng sẽ được Payoneer miễn 100% phí chuyển tiền từ Amazon về tài khoản mở tại Payoneer và giảm đến 50% phí chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng tại Payoneer về tài khoản của khách hàng mở tại SHB Việt Nam trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/khong-can-ra-cho-nguoi-dan-van-co-the-ban-hang-42020161112572526.htm)