Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại khiến thị trường chứng khoán biến động bất thường, nhiều nhà băng đã chọn giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn

Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19. Đơn cử MB vừa được NHNN chấp thuận sửa mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép là gần 27.988 tỷ đồng. Trước đó, HDBank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn là từ gần 12.708 tỷ đồng lên hơn 16.088 tỷ đồng với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. LienVietPostBank cũng được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên 10.746 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019. Hay như TPBank cũng vừa tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên hơn 10.716 tỷ đồng; ACB cũng hoàn tất tăng vốn từ hơn 16,627 nghìn tỷ đồng lên hơn 21,615 nghìn tỷ đồng; Techcombank tăng vốn lên hơn 35,049 nghìn tỷ đồng…

Theo các chuyên gia, tăng vốn là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel 2, ít nhất là quy định về an toàn vốn tối thiểu. Chẳng hạn như TPBank, lãnh đạo ngân hàng này giải thích rõ mục đích tăng vốn nhằm đảm bảo tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thực hiện các chuẩn mực tại Basel II.

Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn - Ảnh 1.

Tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tiếp cận các chuẩn mực Basel II

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, có 77 TCTD trong đó có 2 NHTMNN, 21 NHTMCP, 2 NHLD, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được NHNN chấp thuận áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Mặc dù theo quy định của Thông tư 41, các ngân hàng chỉ phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn tối thiểu là 8%, thấp hơn so với mức 9% như quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, song theo tiêu chuẩn của Basel 2 khắt khe hơn rất nhiều so với Thông tư 36. Bởi vậy nếu không tăng vốn, nhiều nhà băng sẽ khó có thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel 2 của Thông tư 41. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động, đặc biệt là khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng.

Nhìn nhận về vấn đề tăng vốn, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng vẫn rất lớn. Nhất là ngân hàng khối quốc doanh. Tổng tài sản tăng, tín dụng và đầu tư tăng, thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng gần tương ứng. Ví dụ, tổng tài sản tăng 10-12% thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng ít nhất 7-8%. Do đó, các ngân hàng phải liên tục tăng vốn. “Mặc dù thời gian qua một số ngân hàng đã thực hiện tăng vốn. Nhưng để đảm bảo đủ vốn kinh doanh cũng như an toàn hoạt động các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tăng trong giai đoạn tới”, TS. Lực khuyến nghị.

Còn theo tính toán của TS. Nguyễn Trí Hiếu, đâu đó còn 1/3 ngân hàng chịu áp lực tăng vốn cao. Nhất là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh. Ngân hàng nào có nợ nhóm 5 tăng cao việc bổ sung vốn là vấn đề tiên quyết. Nếu không, hệ số CAR của ngân hàng đó xuống dưới chuẩn và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động.

Cửa tăng vốn vẫn sáng

Theo các chuyên gia, các ngân hàng có nhiều giải pháp để tăng vốn như từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn; huy động từ các cổ đông hiện hữu; phát hành thêm cổ phần để tăng vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại khiến thị trường chứng khoán biến động bất thường, nhiều nhà băng đã chọn giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, việc gọi vốn ngoại đối với các ngân hàng Việt cũng được dự báo khả quan nhất là sau thương vụ mới đây OCB đã gọi vốn thành công từ ngân hàng của Nhật Bản. Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn, kinh tế tăng trưởng tương đối khá, tốc độ tăng nhanh, môi trường chính trị ổn định, hiệu suất sinh lời của ngành Ngân hàng tương đối tốt, nên nhiều nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp khá quan tâm. Trong bối cảnh các nhà đầu tư dịch chuyển chuỗi đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Các quỹ tài chính nước ngoài cũng tỏ ra khá quan tâm và đánh giá tích cực ngành Ngân hàng. “Trên quan điểm của chúng tôi, ngành Ngân hàng nổi bật tại Việt Nam không giống với tình hình hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển. Ngành Ngân hàng Việt Nam bị quản lý gắt gao hơn so với các ngành khác và do đó phải áp dụng các tiêu chuẩn tốt nhất. Điều này thúc đẩy họ duy trì bảng cân đối khỏe mạnh hơn và có khả năng phục hồi hoạt động tốt hơn”, Chủ tịch Dynam Capital Craig Martin bày tỏ sự lạc quan lớn đối với các ngân hàng và tin rằng năm 2021 sẽ chứng kiến sự trở lại của các ngân hàng khi nền kinh tế phục hồi, với mức tăng trưởng GDP dự báo từ 7-8%.

Bàn thêm về vấn đề này, TS. Lực cho rằng, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến ngân hàng Việt Nam, nhưng thời gian tới, chưa có nhiều thương vụ bán vốn lớn diễn ra. Nguyên do, các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mới. Dù tiềm năng thị trường Việt Nam hấp dẫn nhưng vấn đề giá cả cũng rất quan trọng đối với nhà đầu tư ngoại khi quyết định xuống tiền.

Có quan điểm tương đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, đầu tư cổ phần vào ngân hàng nhỏ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Các nhà đầu tư ngoại nhìn thấy nền tảng công nghệ Việt Nam còn yếu nên họ muốn hợp tác với ngân hàng Việt Nam để đầu tư phát triển đẩy mạnh số hoá, dịch vụ thanh toán điện tử. Ông Nghĩa đề xuất, cần tạo thuận lợi cho NHTM nhỏ và vừa, thậm chí là ngân hàng quốc doanh có điều kiện tăng vốn. Ví như, nới lỏng các quy định cổ đông nước ngoài nhỏ, khuyến khích ngân hàng nhỏ lên sàn chứng khoán để mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài.

Khả năng hút vốn ngoại, nhất là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… trong tương lai, theo đánh giá của TS. Hiếu là khả thi. Tuy nhiên, muốn tăng được vốn như kỳ vọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng nên khai thác tiềm năng từ các nhà đầu tư trong nước. Nhưng để thu hút được nguồn vốn nội tốt hơn thì vai trò của những đơn vị định hạng tín nhiệm cần phát huy hơn nữa. Trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, các nhà đầu tư họ có thể đánh giá phân tích, đầu tư vốn vào mạnh mẽ hơn.

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng (https://thoibaonganhang.vn/lan-song-tang-von-cua-cac-ngan-hang-van-tiep-dien-108707.html)

Có thể bạn quan tâm

NHNN sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh vàng tại SJC và 5 công ty, ngân hàng khác

NHNN sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *