Vietnam Airlines, Vietjet vẫn lỗ lớn, nhưng các công ty logistics hàng không vẫn “sống khỏe”, lợi nhuận phục hồi mạnh

Vietnam Airlines, Vietjet vẫn lỗ lớn, nhưng các công ty logistics hàng không vẫn “sống khỏe”, lợi nhuận phục hồi mạnh

Nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa tại các sân bay chịu ảnh hưởng ít nhất từ tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành hàng không.

Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của hầu hết doanh nghiệp nhóm ngành hàng không được cải thiện so với quý trước đó, làn sóng bùng phát dịch lần thứ hai có phần nhẹ nhàng hơn và cũng có tác động ít hơn đến nền kinh tế.

So với cùng kỳ, sự sụt giảm của các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi, nhưng mức độ ảnh hưởng cũng phân hóa theo cấu phần mà từng đơn vị đảm nhiệm trong ngành.

Hai hãng vận tải hàng không báo lỗ nặng nhất. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) lỗ 3.942 tỷ đồng trước thuế, ngang bằng với mức lỗ quý 2, dù tình hình vận tải nội địa có phần sáng sủa hơn. Có những thời điểm, lượng khách vận chuyển nội địa của hãng hàng không quốc gia được cho biết là vượt mức cùng kỳ, tuy nhiên hiệu quả sinh lời thì chưa thể đem lại do mức giá vé thấp và cạnh tranh trong ngành cao.

Vietnam Airlines, Vietjet vẫn lỗ lớn, nhưng các công ty logistics hàng không vẫn “sống khỏe”, lợi nhuận phục hồi mạnh - Ảnh 1.

CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – VJC) cũng ghi lỗ 931 tỷ đồng, trái ngược với kết quả quý 2 lãi 1.039 tỷ đồng trước thuế.

Theo nhận định chung của các hãng hàng không, thị trường nội địa của Việt Nam có sự hồi phục mạnh mẽ trước khi dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng. Trong quý 2, các hãng liên tục mở mới đường bay nhằm tăng cường khả năng khai thác. Nhiều máy bay chở khách của các hãng bay được cải tạo cho phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa để tìm kiếm thêm nguồn thu, dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh. Hay các biện pháp giãn nợ, cơ cấu nợ, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa vận hành… đều được đẩy mạnh song song cùng hỗ trợ đến từ Chính phủ.

Như trường hợp của Vietjet Air, họ cho biết đã bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để tối ưu, tạo nguồn thu khác tại sân bay; Vietjet sáng tạo thêm các sản phẩm mới như đầu tư hạng vé Delux, tìm phương án tăng doanh thu phụ trợ. Vietjet cũng đang nộp hồ sơ tại Ngân hàng Nhà nước xin thủ tục ví điện tử, đồng thời triển khai chương trình khách hàng thân thiết.

Đối với hãng hàng không Bamboo Airways, công ty mẹ Tập đoàn FLC cho biết công suất khai thác trong quý 3 vượt cùng kỳ năm 2019, tăng trưởng chuyến bay gần 19%.

Bản thân FLC cũng bất ngờ báo lãi trước thuế tới 578 tỷ đồng, sau hai quý đầu năm lỗ lần lượt 1.887 tỷ đồng và 839 tỷ đồng. Xin lưu ý thêm, phần lãi này xuất phát từ lợi nhuận hoạt động tài chính khác (không được thuyết minh rõ). Trong quý 3, FLC lỗ gộp 327 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý 1 và 2.

Vietnam Airlines, Vietjet vẫn lỗ lớn, nhưng các công ty logistics hàng không vẫn “sống khỏe”, lợi nhuận phục hồi mạnh - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC các doanh nghiệp

Ngoài hai hãng hàng không, nhiều đơn vị khác cũng báo lỗ trong quý 3, bao gồm CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) lỗ 26 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) lỗ 32 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lỗ 10 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) lỗ 5 tỷ đồng. Đây đều là các đơn vị gặp khó khăn trong cả năm nay, một số cung cấp dịch vụ trực tiếp cho hành khách bay, số khác hoạt động tại các sân bay địa phương khi mà lượng khách quốc tế đến du lịch gần rơi về mức 0.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đơn vị quản lý vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước ghi nhận lợi nhuận 156 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) cũng giảm với tỷ lệ tương tự, khiến lợi nhuận chỉ còn vỏn vẹn 7 tỷ đồng.

Trường hợp của ACV có lãi quý 3 do công lớn thuộc về lãi tiền gửi từ khoản tiền “khổng lồ” gần 34.000 tỷ đồng. Thực tế, lãi gộp trong quý 41 tỷ đồng không đủ để gồng gánh toàn bộ chi phí hoạt động của một doanh nghiệp quy mô lớn như ACV. Trong quý 2, ACV thậm chí còn lỗ 354 tỷ.

Ít chịu ảnh hưởng nhất từ cú đánh đại dịch thuộc về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hóa tại các sân bay, bởi đặc thù không bị tác động nặng như vận tải hành khách.

Lợi nhuận trước thuế của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) trong quý 3 đạt 69 tỷ đồng, giảm 8%; trong khi của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đạt 124 tỷ đồng, giảm 9%.

So với quý 2, lợi nhuận trước thuế của cả SCS và NCT đều phục hồi mạnh. Được biết, ngoài việc nhu cầu ít bị ảnh hưởng, sản lượng hàng hóa sẽ tăng lên khi các hãng hàng không gia tăng công suất vận chuyển bằng cách chuyển đổi công năng tàu bay.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của hai đơn vị này chiếm những vị trí top đầu trong ngành hàng không, chỉ thua duy nhất ACV với 1.672 tỷ đồng.

Nhóm bị ảnh hưởng tương đối nặng gồm CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) và CTCP Tập đoàn ASG (ASG) bốc hơi từ 50% – 60% lợi nhuận trong quý 3, nhưng vẫn lãi lần lượt 42 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.

Vietnam Airlines, Vietjet vẫn lỗ lớn, nhưng các công ty logistics hàng không vẫn “sống khỏe”, lợi nhuận phục hồi mạnh - Ảnh 3.

Đông A

Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/vietnam-airlines-vietjet-van-lo-lon-nhung-cac-cong-ty-logistics-hang-khong-van-song-khoe-loi-nhuan-phuc-hoi-manh-42020211121027781.htm)

Có thể bạn quan tâm

Đấu giá biển số 30K-999.99, ‘đại gia’ chốt giá hơn 30 tỉ

Trong lần đấu giá biển số thứ 2, biển 30K-999.99 giảm hơn một nửa giá, …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *