Những “cỗ bê tông” bỏ hoang hàng thập kỷ trên đất vàng

Những "cỗ bê tông" bỏ hoang hàng thập kỷ trên đất vàng

Dự án VIC Tower bỏ hoang hàng thập kỷ

Không ít dự án bất động sản được quy hoạch có tuổi đời từ 10 – 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu” khiến quỹ đất hoang hóa ngày một gia tăng.

Dự án không phép, sai phépTại Hà Nội có thể kể đến dự án Manhattan Tower (tên cũ là Thành An Tower) được tọa lạc tại vị trí “vàng” trên đường Lê Văn Lương với diện tích đất là 4.182m2, quy mô xây dựng là tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng với diện tích 2.104m2. Chủ đầu tư dự án ban đầu là Tổng Công ty Thành An, sau đó dự án đã được bán lại cho CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Ba Đình.

Cùng thời điểm, chủ đầu tư Ba Đình cũng thực hiện một dự án khác tại quận Hà Đông đó là dự án Hattoco 110 Trần Phú. Với cả 2 dự án trên, chủ đầu tư cũng đã bất chấp chưa có giấy phép xây dựng vẫn tiến hành thi công phần công trình hầm, móng và lừa bán cho khách hàng.

Cho đến hiện tại, cả 2 dự án dù đã xây lên cao nhưng vết thời gian đã in lên từng mảng công trình, biến thành khối bê tông bỏ hoang trên đất vàng.

Những cỗ bê tông bỏ hoang hàng thập kỷ trên đất vàng - Ảnh 1.

Những “cỗ bê tông” bỏ hoang vẫn ngự trị trên đất vàng khiến người đi qua không khỏi xót xa (ảnh: Dự án Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương)

Hay dự án VIC Tower, tọa lạc tại lô C ô đất D4 KĐT mới Cầu Giấy, dự án được UBND quận Cầu Giấy có Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất hồi tháng 10/2010, chủ đầu tư được lựa chọn là liên doanh Công ty TNHH Phú Mỹ An – Hà Nội và Công ty TNHH thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền Núi.

Tháng 6/2011, liên doanh chủ đầu tư tiến hành thi công phần móng công trình, đồng thời huy động vốn từ khách hàng. Tuy nhiên, tháng 8/2014, Đội TTXD quận Cầu Giấy kiểm tra phát hiện công trình đang thi công mà không có giấy phép xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư Phú Mỹ An bị xử phạt hành chính và yêu cầu tạm dừng thi công.

4 năm trôi qua, đầu năm 2018, khách hàng dự án này không khỏi giật mình khi dự án bất ngờ thay tên, công nhân, máy móc ra vào tấp nập. Tuy nhiên, ngay sau đó một lần nữa dự án bị đắp chiếu, cho đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, số tiền chủ đầu tư đã thu từ khách hàng đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Gần đây, khi thị trường đi vào thời kỳ phục hồi, phát triển, chuyện các dự án không phép vẫn ngang nhiên xảy ra mạnh mẽ hơn.

Tại TP HCM có thể kể đến như dự án Lancaster Lincoln Quận 4. Dự án được khởi công từ cuối năm 2017, mở bán vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, ngay sau sự kiện mở bán, dự án đã nhận ngay quyết định xử phạt vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Kể từ đó, dự án cũng bị đình trệ, cho đến nay chủ đầu tư đã 4 lần trễ hẹn bàn giao nhà cho khách hàng.

Hàng chục dự án triệu đô ở TP.HCM ngắc ngoải, “đắp chiếu” nhiều năm nay đã trở thành tài sản thế chấp tại ngân hàng, nhưng việc phát mãi, bán đấu giá để xử lý nợ không dễ.

Những cỗ bê tông bỏ hoang hàng thập kỷ trên đất vàng - Ảnh 2.

Dự án Saigon One Tower đã xây gần xong nhưng vẫn “trùm mền” nhiều năm bên sông Sài Gòn

Khách hàng “kêu trời không thấu”

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một khách hàng của dự án VIC Tower Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết, thời điểm mua căn hộ tại dự án, chủ đầu tư hứa chỉ sau 2 năm sẽ được nhận nhà. Nhìn công trình được thi công rầm rộ, lại được chủ đầu tư đổi tên khiến không thể tìm ra các sai phạm cũ, chúng tôi đã tin tưởng mà ký hợp đồng vay vốn để đặt mua căn hộ tại đây.

“Cho đến nay đã cả chục năm nhưng dự án chẳng biết bao giờ mới tái khởi động, tìm gặp chủ đầu tư cũng chỉ nhận được câu trả lời “chờ giấy phép xây dựng”. Vốn dĩ muốn mua nhà để con cái đi học lớp 1 cho gần, nhưng giờ con đã gần hết cấp 2, nhà vẫn chẳng thấy đâu” – khách hàng dự án VIC Tower tâm sự.

Khách hàng này cũng cho biết, có những người mua cả 2 căn, số tiền đóng vào dự án lên tới 4 tỷ đồng, đến nay bà đã 85 tuổi, không biết có còn thể chờ đến ngày nhận nhà hay không.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, song song với những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, nghiêm túc, vẫn xuất hiện những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Vì lẽ này, khi điểm danh các dự án xây dựng không phép, địa phương nào cũng có, nơi nhiều, nơi ít, với phạm vi, quy mô thực hiện lớn nhỏ rất khác nhau.

Thậm chí có nhiều dự án quy mô hoành tráng, đồ sộ, triển khai trong thời gian dài, công khai mà không bị các cấp chính quyền phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Điều này cho thấy năng lực, trình độ, là trách nhiệm thực thi công vụ của các cấp chính quyền địa phương có vấn đề. Có dấu hiệu “chống lưng” tiếp tay cho việc làm sai trái của doanh nghiệp.

Ông Đính cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc xử lý các doanh nghiệp cố tình làm sai, đồng thời cần xử lý cả những chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Tùy mức độ sai phạm phải có biện pháp xử lý cho phù hợp.

Theo Lam Châu

Diễn đàn doanh nghiệp (https://enternews.vn/nhung-co-be-tong-bo-hoang-hang-thap-ky-tren-dat-vang-184804.html)

Có thể bạn quan tâm

Diễn biến mới nhất tại siêu dự án du lịch tâm linh 1.500ha có hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ Tam Tôn (Hải Dương) tỷ phú “ăn chay” Xuân Trường muốn đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao UBND tỉnh Hải Dương triển khai các …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *