Chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, nhưng gần 3.000 tấn cam ở các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê rụng quả hàng loạt sau mưa lũ.
Huyện vũ Quang có hàng trăm hộ dân trồng cam với diện tích hơn 2.500 ha. Đợt mưa lũ vừa qua, địa bàn ước tính có hàng chục tấn cam bị rụng, tại các vườn cam tỷ lệ rụng 15-20% tổng số quả trên cây, thiệt hại nhiều tỷ đồng.Cách huyện Vũ Quang khoảng 50 km, tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, vườn cam rộng 2 ha với 1.000 cây của ông Đặng Văn Việt, 50 tuổi, bị thối nước, rụng hơn 10 tấn quả trong một tuần. Để vớt vát vốn, ông Việt tranh thủ hái những quả còn sót lại trên cây đem bán lẻ cho thương lái với giá 10.000-15.000 đồng một kg, giảm hơn một nửa so với trước kia là 40.000-50.000 đồng một kg.”Với hàng chục tấn cam bị thối rữa, tôi dùng khu đất trống trong vườn đào hố xử lý sâu 6 m, rộng 9 m2 để chôn lấp”, ông Việt cho hay. Huyện Can Lộc trồng hơn 400 ha cam, khoảng 58 ha bị thiệt hại bởi hiện tượng quả thối rụng.Theo tính toán, một ha cam được mùa cho năng suất hơn 15 tấn mỗi vụ. Sau khi trừ các chi phí như phân bón, nhân công, chủ vườn sẽ lời gần 200 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt – Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Hà cho biết, theo thống kê có 600 ha cam thiệt hại, gần 3.000 tấn quả bị rụng trong đợt mưa lũ vừa qua, tập trung tại huyện Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê…”Ngoài việc ngập úng bởi lũ lụt còn do thời tiết chuyển từ nắng hạn sang mưa khiến bộ rễ của cây bị tổn thương, hút dinh dưỡng kém, gây rụng quả. Ngoài ra, quá trình mưa kéo dài khiến sâu bệnh phát sinh diện rộng; nhiều vườn cam già cỗi, không đủ chất dinh dưỡng dẫn tới quả phát triển yếu”, ông Hà nói.Đợt mưa lũ từ ngày 19 đến 21/10, Hà Tĩnh ghi nhận 6 người chết, 118 xã bị ngập với tổng số 42.450 hộ và hơn 151.200 người. Ngoài ra, 132 ha lúa mùa, hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại. Nhiều công trình giao thông ở huyện Kỳ Anh, Hương Khê, TP Hà Tĩnh hư hỏng.