Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở, khi thị trường thứ cấp có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì đây chính là cơ hội cho những người mua ở thực.
Có lẽ BĐS thời gian qua đã chứng kiến sự lên xuống của BĐS ở nguồn cung và giao dịch. Trong khi thị trường sơ cấp không có dấu hiệu giảm giá thì thị trường thứ cấp có hiện tượng giảm giá cục bộ ở một số phân khúc, sản phẩm. Đến tháng 8 thì theo đại diện DKRA Vietnam, việc giảm giá trên thị trường thứ cấp đã diễn ra ở diện rộng hơn khi nhiều NĐT áp lực về nguồn tài chính.
Và cũng chính ở giai đoạn người mua ở thực đã bắt đầu tìm kiếm BĐS nhiều hơn khi cho rằng, thời điểm này giá có thể ổn định và quan trọng là trả được giá.
Ghi nhận cho thấy, khoảng hơn 1 tháng này, lượng người mua thực đi tìm hiểu đất vùng ven Tp.HCM tăng lên. Trong đó các giao dịch môi giới chốt được trong tháng 8, 9 (dương lịch) chủ yếu đến từ người mua ở thực. Với các nền bán ra với mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/nền được người ở thực tìm hiểu nhiều nhất. Trong khi các NĐT lướt sóng cũng nhắm vào nhu cầu này để ra hàng nhanh trong vòng vài tháng. Trong đó, có hiện tượng môi giới hùn tiền để mua nhanh và bán ra nhanh kiếm chênh như đã phản ánh trước đó, cũng hướng đến đối tượng là khách mua ở thực.
Anh M, một môi giới tự do khu Đông cho biết, trong 5 khách đi xem đất trong tuần thì có khoảng 3 khách là tìm đất mua ở. Họ không xuống tiền nhanh nhưng nếu nền nào đang được NĐT cần tiền bán gấp, giảm giá hữu nghị thì họ sẽ quyết định. Đa số những người mua đất để xây nhà có sử dụng vốn vay ngân hàng, trong khi NĐT thì ít hơn. Những người mua ở thực có tâm lý là chờ giá giảm thêm một chút để mua được giá tốt, nên họ sẽ “xuống tiền” lâu hơn. Có thể họ đi xem nhiều lần, ở nhiều nơi và nhiều tuần sau đó mới quyết định mua vào. Theo nam môi giới này, ngay sau thời điểm dịch ổn định thì lượng người ở thực đi tìm hiểu đất đai tăng lên hẳn, một phần họ nghĩ giá cả BĐS hiện đã ổn định trở lại, không còn tăng liên tục như thời điểm trước đây. Và một phần họ cho rằng, qua năm khi dịch ổn hẳn thì có thể giá đất còn tăng mạnh nên đa số họ cố gắng gom tiền, hỗ trợ thêm ngân hàng để mua được trong giai đoạn này.
Ghi nhận cho thấy, không chỉ ở khu ven Tp.HCM mà khu vực tỉnh lân cận TP thị trường căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn cũng nhộn nhịp khi đa số nhu cầu ở thực hướng vào phân khúc giá này. Theo một môi giới bán căn hộ Dĩ An, Bình Dương, nếu giai đoạn đầu của dự án căn hộ giá mềm NĐT mua chiếm đến 60 -70% thì đến giai đoạn thứ 2, 3 chủ yếu là người mua ở thực sẽ vào. Ở phân khúc giá này thanh khoản tốt là cũng từ sự hấp lực của đối tượng người mua ở thực.
Khẩu vị của người mua nhà ở thực trong giai đoạn này là các dự án căn hộ, đất nền giá còn phải chăng. Trong khi tài chính có hạn thì xu hướng của họ là tiến về các tỉnh giáp ranh Tp.HCM để tìm kiếm BĐS. Còn những người có vốn tích luỹ tốt hơn vẫn chuộng đất nền ở một số khu vực ven Tp.HCM, có thể cất nhà ở ngay.
Có một điều cũng dễ nhận ra ở đối tượng khách hàng này là nhu cầu luôn luôn có sẵn nhưng vấn đề tài chính lại không được dồi dào. Nên dù mua phân khúc nào, đa số họ sử dụng vốn vay ngân hàng để sở hữu nhà. Vì thế, những dự án nào được CĐT linh hoạt về thanh toán (kéo giãn thanh toán) thì ngay lập tức được họ quan tâm. Hay ở phân khúc đất nền, nếu nền đất nào chỉ cần NĐT giảm giá khoảng 50-100 triệu đồng thì sẽ hút được người mua ở thực. Tâm lý của đa số người mua ở thực chủ yếu vẫn quan tâm đến giá cả, sau đó mới đến vị trí dự án.
Theo Nhịp sống kinh tế (http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/co-hoi-vang-cho-nguoi-mua-nha-o-thuc-4202024101226791.htm)