Công ty Cổ phần Tập đoàn OnesGroup (chi nhánh tại tầng 1, tòa nhà HL Tower, số 6, ngõ 82 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) câu kéo khách hàng góp vốn vào dự án nghỉ dưỡng Dragon Valley (Đà Lạt, Lâm Đồng) dưới hình thức “Tuần nghỉ hạnh phúc”. Và đây có phải là cơ hội vàng cho mọi người?
Liên tục tổ chức sự kiện
Một ngày đẹp trời tự dưng có một tin nhắn rơi đánh “bộp” vào “em” điện thoại di động của PV (xem ảnh chụp màn hình điện thoại nội dung tin nhắn). Liền sau đó là những cuộc gọi điện liên tục của nhân viên Tập đoàn OnesGroup vào số máy cá nhân của PV với giọng chèo kéo đầy hấp dẫn, mời tham gia sự kiện: “Công ty sẽ tặng một vé nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm miễn phí, khi đi chỉ cần đem theo chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân để làm thủ tục tại quầy”.
Theo lời mời, PV đến tham dự sự kiện sau nhiều lần dời lịch hẹn, vào hồi 14g30 ngày 12/8 tại tầng 1 tòa HL Tower, số 6, ngõ 82 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại sảnh của công ty, đã thấy hàng chục khách hàng khác đang được tư vấn (kèm ảnh). Ngày nào công ty cũng tổ chức sự kiện 2 lần, khách hàng có thể tùy chọn khung giờ thích hợp. Tính đơn giản, nếu mỗi ngày có 2 ca sự kiện thì một tuần, công ty này đón tiếp vài trăm khách hàng.
Trước khi vào sự kiện, PV được nhân viên quầy lễ tân hỏi tên, số điện thoại và yêu cầu đưa chứng minh thư nhân dân. Lấy cớ là để quên ở nhà, chỉ nhớ số căn cước, PV vẫn được vào.
Tiếp chuyện PV là một nhân viên tên Đạt. Qua tiếp xúc mới biết, việc tặng vé du lịch miễn phí 3 ngày 2 đêm chỉ là “mồi nhử” khách hàng đến với sự kiện, còn nội dung chính là lời quảng cáo kéo dài nhiều giờ đồng hồ về gói “kỳ nghỉ siêu hấp dẫn”, đáng mơ ước của một gia đình mà bất kỳ ai tham gia cũng được “hưởng lợi”(!!!).
Trong vai là một gia đình làm nghề buôn bán tranh ảnh, thường xuyên đi du lịch cả gia đình trong và ngoài nước, PV nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của Đạt và được Đạt tư vấn rất nhiệt tình. Đạt cho xem một cuốn catalogue có hình ảnh mô phỏng 2 dự án khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, trong đó có 1 dự án mang tên Dragon Valley và cả 2 dự án hiện đang được xây dựng (?).
Nhân viên này cho hay: Tập đoàn OnesGroup mua lại của đơn vị chủ đầu tư để khai thác. 2 khu này có tiện ích và đẳng cấp hàng đầu Việt Nam. Sau đó, anh ta giới thiệu về “tuần nghỉ hạnh phúc” mà Công ty đang triển khai. Nếu tham gia chương trình này, khách hàng sẽ “có 1 quỹ phòng” 30 tuần nghỉ miễn phí (8 ngày 7 đêm) tương đương trong 30 năm (mỗi năm 1 tuần nghỉ) tại một căn hộ thuộc dự án, kể từ khi ký hợp đồng.
Khách hàng có thể hưởng kỳ nghỉ này tại căn hộ tại Đà Lạt, hoặc tại 18 khu liên kết (đều là khách sạn 5 sao) trên khắp mọi miền, theo Đạt, hoặc có thể cho, tặng, bán, thừa kế, chuyển nhượng hoặc tách kỳ, ứng kỳ nghỉ. Ngoài khoản phí tham gia ban đầu (12 tháng hoặc 30 tháng), mỗi năm khách phải đóng phí dịch vụ từ 3,5-5 triệu/căn hộ. Đạt nhấn mạnh: Ưu đãi vượt trội của chương trình là có thể quy đổi sang gói đi du lịch nước ngoài. Nếu khách hàng muốn đi du lịch nước ngoài thì sẽ được trao đổi phòng nghỉ thông qua một tổ chức tên là RCI, chỉ phải trả thêm một ít phí trao đổi và phí dịch vụ tại nước sở tại. Khách hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí phát sinh trong quá trình đi du lịch. Đặc biệt là khi khách hàng muốn du lịch nước ngoài, những nước “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ… đều được đảm bảo đậu visa 90% (?!).
Phải xuống tiền mới được xem hợp đồng (?!)
PV tỏ vẻ ưng ý với chương trình sở hữu kỳ nghỉ mà công ty đưa ra, và muốn xem qua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và chi phí mà khách hàng phải bỏ. Đạt giới thiệu Trung – quản lý của Đạt ra tiếp chuyện. PV đề nghị xem trước hợp đồng để về còn bàn bạc với chồng. Nhưng Trung khăng khăng nói rằng hợp đồng là vấn đề bảo mật của cơ quan, không thể tiết lộ được, trừ khi khách hàng có đem theo tiền đặt cọc hoặc thẻ ngân hàng có tiền thì “sếp” của Trung mới cho xem.
PV nói chỉ đem 5 triệu đồng trong người, Trung bảo “chị cứ đưa tiền đây em vào trong đăng ký cho chị”. PV hỏi, nếu đặt cọc rồi mà gia đình không tham gia gói nghỉ dưỡng nữa thì công ty có hỗ trợ trả lại tiền hoặc chuyển nhượng hợp đồng cho người khác không? Trung khẳng định là “có”, thậm chí “nếu không muốn đi, chị có thể chuyển nhượng kỳ nghỉ cho ai đó ngay tại công ty”.
Giả bộ đã “bị thuyết phục”, PV lấy ra 5 triệu đồng đưa cho Trung. Trung bắt đầu giới thiệu cho PV gói nghỉ dưỡng 12 tuần tương ứng trong 12 năm, số tiền phải chi trước là 188.240.000 đồng. Nếu vào đủ tiền, khách hàng sẽ được trừ trực tiếp 10% trên tổng số hợp đồng. Còn nếu mua theo hình thức trả góp thì thời điểm này khách hàng sẽ vào tiền 30%, 70% còn lại sẽ được Ngân hàng Sacombank hỗ trợ cho vay không lãi suất trong vòng 12 tháng.
Trong 3 năm đầu khách hàng được hỗ trợ lãi suất 12%/năm, trả lãi theo quý, và được tặng gói du lịch 4 ngày 3 đêm miễn phí tại khách sạn 5 sao của hệ thống (trừ chi phí đi lại và ăn uống). 3 năm sau gói nghỉ dưỡng mới được kích hoạt, khách hàng lúc đó mới được sử dụng “Tuần nghỉ hạnh phúc”. Nếu không sử dụng, công ty sẽ hoàn trả số tiền 188.240.000 đồng cho khách hàng. Thắc mắc về khoản hỗ trợ lãi suất 12%, Trung giải thích, 12% tương ứng với 20 triệu đồng/năm. Công ty đưa ra chính sách là hỗ trợ khách hàng dịp Covid, nhưng thực chất là trả lãi suất tương đương 12% cho khách. “Nếu nói là trả lãi suất 12% thì là huy động vốn trái luật nên chỉ nói là hỗ trợ Covid trong 3 năm đầu. Chị cứ coi như là trong 3 năm này chị gửi tiền vào công ty để hưởng lãi suất, mà lãi suất còn cao hơn cả lãi suất ngân hàng, tội gì không góp vào đúng không chị?” – Trung nói.
Một nhân viên khác đem ra 2 bộ hợp đồng, mỗi hợp đồng gồm 3 bản, chỉ cho xem lướt qua nội dung và để PV ký. Ký xong thì công ty giữ lại tất cả các hợp đồng không đưa cho phóng viên một bản nào. PV ra điều kiện nếu như về bàn bạc với chồng mà chồng không đồng ý thì có được lấy lại tiền cọc không? Lúc đó Trung mới bảo, chị xem kỹ trong tờ đặt cọc này nhé, nếu chị không vào tiền tiếp thì sẽ mất cọc! PV chỉ được nhận một phiếu thu có dấu đỏ của Công ty và bản “thỏa thuận đặt mua” và hẹn 1 tuần sau phải nộp đủ 30% số tiền để ngân hàng làm thủ tục hỗ trợ trả góp.
Trong hơn 3 giờ đồng hồ, PV bị cuốn vào “ma trận” quảng cáo của nhóm nhân viên, trong khi vấn đề rất quan trọng là thông tin về dự án Dragon Valley được PV nhắc đi nhắc lại nhiều lần vẫn không được giải đáp thỏa đáng, chỉ được hướng dẫn là xem trên website của Công ty onesgroup.vn. Nhưng trên website cũng chỉ có một số hình ảnh mô phỏng.
Thêm nữa, phải mất cả tuần “năn nỉ”, PV mới được cung cấp thêm một số giấy tờ pháp lý xung quanh “Tuần nghỉ hạnh phúc”, sự mập mờ của những giấy tờ này PV sẽ thông tin trong bài viết tiếp theo. Nhưng một câu hỏi đặt ra, với tần suất tổ chức sự kiện dày đặc như vậy, đã có bao nhiêu khách hàng trót xuống tiền để tham gia một gói kỳ nghỉ pháp lý không rõ ràng này?
Để rộng đường dư luận, PV đến liên hệ gặp lãnh đạo công ty với tư cách là cơ quan báo chí muốn được giải đáp những vấn đề liên quan đến “Tuần nghỉ hạnh phúc”. Một người xưng là giám đốc kinh doanh của Công ty tên là Nguyễn Văn Thành cho biết, sẽ có bộ phận Truyền thông của Công ty liên hệ lại nhưng nhiều ngày trôi qua, PV chưa nhận được phản hồi.
Vị này nói rằng, việc liên tiếp tổ chức sự kiện để mời chào khách hàng đều tuân thủ quy định về phòng dịch Covid. Đơn vị tổ chức sự kiện trong nhà nên không phải xin phép cơ quan chức năng. Công ty hiện có khoảng 120 nhân viên tư vấn, làm việc công khai, minh bạch, không có chuyện ép khách hàng tham gia mua kỳ nghỉ.
Nếu công khai, minh bạch, tại sao mọi hợp đồng giữa khách hàng và công ty, khách hàng với ngân hàng hỗ trợ tài chính lại không được công khai, mà bắt buộc phải “xuống tiền” khách hàng mới được xem?
Nhóm PV