Hơn 40,6 triệu người đã nhiễm nCoV trên toàn cầu

Toàn cầu ghi nhận hơn 40,6 triệu người đã nhiễm nCoV, trong đó hơn 1,1 triệu người chết, tình hình dịch ở nhiều nước châu Âu đang phức tạp.

215 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 40.610.238 ca nhiễm và 1.122.192 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 352.881 và 4.117 ca sau 24 giờ, trong khi 30.334.224 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 8.447.194 ca nhiễm và 225.170 người chết, tăng lần lượt 60.216 và 442 ca so với một ngày trước đó.

Giới chuyên gia cảnh báo nhiều bang có khả năng chuẩn bị hứng đợt bùng phát mới, đặc biệt là xu hướng đáng báo động tại vùng đông bắc Mỹ. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày của Mỹ hồi giữa tháng 10 là hơn 46.000, tăng 12% so với đầu tháng. Số ca nhập viện cũng trên đà tăng.

Xét nghiệm nCoV tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 19/10. Ảnh: AFP.

Xét nghiệm nCoV tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 19/10. Ảnh: AFP.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 46.046 ca nhiễm và 593 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 7.594.284 và 115.235.

Số ca nhiễm tại Ấn Độ đang tăng nhanh hơn mọi quốc gia, nhưng Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực là tỷ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng trước và hơn 6,5 triệu người đã bình phục. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Ấn Độ có thể vượt Mỹ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch

Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống nCoV trên toàn quốc từ hồi tháng 6, trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá và hàng triệu người mất việc làm. Dịch bệnh ban đầu bùng phát ở các thành phố lớn, nhưng sau đó lây lan đến vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Các rạp chiếu phim ở nước này mở lại từ 16/10.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 321 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 154.226. Số người nhiễm nCoV tăng 15.783 ca trong 24 giờ qua, lên 5.251.127.

Thống kê cho thấy số liệu về nCoV của Brazil đang trên đà giảm sau khi tăng vọt hồi mùa hè. Dù vậy, quá trình giảm này diễn ra chậm hơn so với các nước châu Âu và châu Á, đồng nghĩa với việc Brazil có thể chưa vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên.

Nga ghi nhận thêm 179 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 24.366, trong khi số ca nhiễm tăng 15.982, lên 1.415.316. Giống như nhiều quốc gia ở châu Âu, Nga đang chứng kiến ca nhiễm tăng khi thời tiết lạnh trở lại.

Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V, cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba đầu tiên dự kiến được công bố vào tháng 11, trong đó có thống kê của 5.000-10.000 người trong số 40.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 705.254 ca nhiễm và 18.492 ca tử vong, tăng lần lượt 1.461 và 21 ca. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Chính phủ Nam Phi quyết định mở biên với hầu hết quốc gia từ ngày 1/10, đồng thời dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Hành khách đến Nam Phi cần xuất trình kết quả âm tính nCoV được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, hoặc chịu cách ly bắt buộc và tự trả phí.

Tình hình dịch diễn biến phức tạp trở lại ở các nước châu Âu. Pháp ghi nhận thêm 13.243 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 910.277 ca, trong đó 33.623 người chết, tăng 146 trường hợp. Theo ước tính, các bệnh nhân sẽ sớm lấp đầy toàn bộ giường chăm sóc tích cực tại hệ thống bệnh viện ở Paris.

Đệ nhất phu nhân Brigitte Macron hôm qua phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người nhiễm nCoV. Điện Elysee chưa cho biết kết quả xét nghiệm, nhưng tiết lộ bà không có triệu chứng.

Anh ghi nhận 741.212 ca nhiễm và 43.726 ca tử vong, tăng lần lượt 18.804 và 80 trường hợp. Đây là nước ghi nhận số người chết vì nCoV nhiều nhất châu Âu. Hàng triệu người ở Anh đang phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/10 cho biết một đợt đóng phong tỏa toàn quốc mới sẽ là “thảm họa”, song không loại bỏ trường hợp này khi tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Đức cho biết ca nhiễm hàng ngày ở nước này đạt mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đức hiện ghi nhận 373.821 ca nhiễm và 9.896 ca tử vong, tăng lần lượt 6.840 và 40.

Khi Covid-19 lần đầu tấn công châu Âu đầu năm nay, Đức được ghi nhận là đã thực hiện các biện pháp sớm và có mục tiêu giúp ngăn chặn virus tốt hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai tấn công nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các vết nứt trong thể chế liên bang đang bắt đầu lộ ra.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 17/10 kêu gọi người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội và đi lại nhằm ngăn chặn sóng làn sóng Covid-19 lần hai. Theo Viện Robert Koch về bệnh truyền nhiễm, dù tỷ lệ lây nhiễm nCoV của Đức vẫn thấp hơn so với phần lớn các quốc gia châu Âu khác, số ca nhiễm ở nước này đang tăng nhanh.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 30.712 người chết, tăng 337, trong khi tổng số ca nhiễm là 534.631, tăng 4.251. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với sự gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Thủ đô Tehran và 4 thành phố lớn khác tuần qua đã bị phong tỏa một phần cho đến giữa trưa 18/10. Hầu hết các địa điểm công cộng ở thủ đô, thành phố có khoảng 9 triệu dân, đã bị đóng cửa kể từ ngày 3/10.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 365.240 ca nhiễm, tăng 3.373 so với hôm trước, trong đó 12.617 người chết, tăng 106 ca.

Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thủ đô tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.

Philippines báo cáo 359.169 ca nhiễm và 6.675 ca tử vong, tăng lần lượt 2.638 và 26 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người dân du lịch nước ngoài từ 21/10.

Hầu hết doanh nghiệp được phép tái mở cửa từ khi Manila kết thúc lệnh phong tỏa hôm 19/8. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, trong khi trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên ở nhà. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương 1/10 dân số, vào quý II năm sau.

Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng châu Âu và Bắc Mỹ cần học hỏi những nước châu Á trong duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19 và cách ly những trường tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV.

“Người dân khu vực này có niềm tin cao với chính phủ dù các biện pháp phòng chống vẫn kéo dài. Họ đã vượt qua vạch đích từ lâu nhưng vẫn tiếp tục chạy đua vì hiểu rằng cuộc đua chưa kết thúc, rằng vạch đích đó không phải thật. Quá nhiều nước đã dặt ra vạch đích tưởng tượng và giảm hoạt động sau khi vượt qua nó”, ông nói.

Vũ Anh (Theo Reuters)

https://vnexpress.net/hon-40-6-trieu-nguoi-da-nhiem-ncov-tren-toan-cau-4179150.html

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *