Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình

Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong sáng 18/10 dù nước ngập sâu nhưng những ngôi nhà phao – một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án Nhà Chống Lũ một lần nữa phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con.

Những căn nhà phao phát huy tác dụng tại rốn lũ Quảng Bình

Từ đêm 17/10 đến sáng 18/10, mưa lũ dâng cao đã khiến 34.000 nhà dân tại tỉnh Quảng Bình bị ngập nặng. Gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.

Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong sáng 18/10 dù nước ngập sâu nhưng những ngôi nhà phao – một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án Nhà Chống Lũ một lần nữa phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con. Dự báo, mưa đặc biệt lớn đang tiếp tục đổ xuống phía Tây Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, đến hết ngày mai 19/10 và có thể kéo dài đến ngày 20/10.

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp lại lúc 10h sáng 18/10, lũ đỉnh điểm ở Quảng Bình, những căn nhà phao phát huy tác dụng (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 2.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 3.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 4.

Những căn nhà chống lũ giúp người dân an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

Hầu hết các hộ dân được dự án Nhà Chống Lũ hỗ trợ trong vòng 7 năm qua đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.

Ông Sinh, một hộ dân có nhà an toàn, ngồi tựa lưng vào cột bê tông của chiếc cầu thang đi lên gác chống lũ, mỉm cười vung tay nói: “Giờ có nhà mới rồi, lũ đến thì ông đứng trên gác vẫy tay chào lũ ra thôi”.

Câu nói của ông Sinh truyền cảm hứng và động lực đối với rất nhiều người dân sinh sống trong khu vực thường xuyên đối mặt với thiên tai. Họ cũng khát khao có một căn nhà an toàn, để mỗi mùa bão lũ đều có thể “vẫy tay chào lũ”. Lũ lụt từ năm này qua năm khác, giải pháp mang tính lâu dài và bền vững được nhiều người đánh giá cao chính là những căn nhà chống lũ.

Độc giả Đức Anh chia sẻ quan điểm riêng: “Với bối cảnh hiện nay, sẽ không tránh khỏi nhiều năm 2020 tai ương khác nữa trong tương lai, một chỗ ở thiết thực sống chung được với lũ sẽ có giá trị cao và hiệu quả lâu dài”.

Bạn Minh Thùy nói: “Thêm một lựa chọn cho giải pháp cứu trợ bền vững, đừng quên Nhà Chống Lũ. Hãy tưởng tượng mùa lũ về cả thôn có vài chục cái nhà thế này cùng vào trú ngụ, thương vong sẽ giảm đi biết mấy, việc cứu hộ cũng sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều”.

Tính đến tháng 9 năm 2020, Nhà Chống Lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà. Bên cạnh đó, dự án đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông, và một số loại lũ đặc biệt.

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 5.

9 mô hình nhà chống lũ an toàn

Nhà Chống Lũ hiện nay có 3 loại chính, nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác, tổng cộng 9 mô hình.

Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, mô hình sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này được tính toán dựa theo thực tế để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn nhà dễ dàng mà không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà.

Nhà kê nền cao với nền nhà được nâng lên trên mặt đất khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.

Nhà kê nền linh hoạt là mô hình có thể tách rời liên kết giữa khối nhà và móng để nâng nhà khi cần mà không phải phá huỷ kết cấu. Mô hình nhà linh hoạt là một lõi an toàn, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai (bão, lụt).

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 6.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 7.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 8.

Lần lượt mô hình nhà kê nền thấp, cao và linh hoạt (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

Nhà phao gồm nhà phao biệt lập được hình thành với mẫu thiết kế là khung nhà bằng thép để giảm trọng lượng khung nhà, có mặt bằng hình vuông, sàn lát ván gỗ, vách thưng ván gỗ hoặc tôn kẽm, mái 4 dốc lợp tôn kẽm, có hành lang ngoài để nâng cao tính cân bằng chống dao động và sử dụng cửa ray trượt để dễ sử dụng khi gió lùa mạnh. Dưới gầm sàn nhà được bố trí các thùng phuy sắt làm hệ phao nổi giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ và được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo.

Mô hình nhà phao gắn liền nhà xây là một gian nhà phao trên gác ngôi nhà xây. Gian nhà này có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi tối đa trên 10m so với sàn tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà.

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 9.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 10.

Mô hình nhà phao biệt lập và nhà phao gắn liền với nhà xây (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

Nhà có gác gồm mô hình nhà hai gác chỉ người ở được xây dựng trên cơ sở thiết kế với cấu trúc móng, trụ, khung dầm, sàn bê tông và tường xây gạch nung hoặc gạch không nung. Độ cao của gác hoặc sàn tầng một thường được thiết kế cao hơn mức ngập tối thiểu cao 2,85m, có cầu thang trong nhà để người dân lưu trú trong thời gian có lũ, bão.

Mô hình Nhà hai gác có chỗ cho gia súc có cầu thang phía ngoài cho người và gia súc di chuyển lên tầng trên khi có lũ. Độ cao tầng hai được tính toán vượt trên mức đỉnh lũ lịch sử của khu vực để đảm bảo cho người dân và gia súc có thể lưu trú trong thời gian ngâm lũ.

Sử dụng phần chiếu nghỉ trước khi lên sàn làm nơi cho gia súc, gia cầm tránh lũ. Thiết kế bản thang rộng 1,2m – 1,5m, bậc cầu thang có độ cao 10cm – 12cm đảm bảo cho trâu, bò, dê dễ dàng di chuyển lên trên. Phần chiếu nghỉ này có thể căng bạt hoặc lợp mái che mưa và đảm bảo diện tích đủ cho trâu, bò, dê trú ngụ.

Mô hình nhà có cầu thang ngoài còn có tác dụng khi nhà bị lũ ngập, việc di chuyển, sinh hoạt, cứu trợ của người dân và lực lượng cứu hộ bằng thuyền sẽ cập mạn cầu thang ngoài để vào nhà thuận lợi. Toàn bộ gian phía sau để chứa cỏ, rơm, và nông sản; gian trước dành cho người.

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 11.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 12.

Mô hình nhà hai gác chỉ người ở và nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

Nhà 3 gian có gác xép, trong đó 1 gian lồi bằng với phần hiên nhà, ba gian được bố trí công năng sử dụng như ba gian truyền thống, bếp và công trình phụ xây dựng thêm tùy nhu cầu và điều kiện của chủ nhà. Gian dưới sàn gác bê tông cốt thép là nơi tránh bão an toàn cho người và tài sản. Gác là nơi người dân trú và bão quản tài sản khi có bão, lũ dâng cao.

Nhà ống có gác xép, người dân lưu trú ở gác xếp trong thời gian có bão hoặc lũ ngâm, độ cao gác xếp được tính toán phù hợp luôn cao hơn đỉnh lũ lịch sử của khu vực. Khi thiết kế nhà ống có gác xép có thể đổ sàn bê tông truyền thống hoặc các vật liệu xây dựng mới có tính kháng nước. Độ cao của gác xép tối thiểu 2,1m. Tùy theo địa bàn để chú trọng các yếu tố kĩ thuật ưu tiên cho vùng bão, lũ thấp hoặc vùng lũ chịu tác động bởi bão suy yếu. Cửa thoát hiểm của gác xép tránh lũ vô cùng quan trọng, trong trường hợp lũ vượt mức lịch sử, vượt qua cả sàn gác thì cửa thoát hiểm là nơi tiếp cận của các phương tiện cứu trợ.

Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 13.
Một lần nữa, những căn nhà phao trong dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng tại Quảng Bình - Ảnh 14.

Mô hình nhà ba gian có gác xép và nhà ống có gác xép (Ảnh: Nhà Chống Lũ)

1+1=n

Trong buổi livestream chia sẻ giữa các chuyên gia, cố vấn của Nhà Chống Lũ và bạn đọc, Chuyên gia về Biến đổi Khí hậu Huy Nguyễn nhận định, trong năm 2020, có 2 tháng cực đoan về thời tiết mà La Nina – hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi dị thường – có thể tác động tới Việt Nam, đó là tháng 10 và 11.

Hiện, miền Trung đang phải đối diện với lũ chồng lũ và áp thấp nhiệt đới liên tục xuất hiện, nối tiếp nhau đi vào bờ. Tuy nhiên, kịch bản chưa dừng lại, với nhận định của anh, tháng 11 sẽ tiếp tục “cực đoan” nữa, có mưa và bão, thậm chí là siêu bão đi vào khu vực Biển Đông.

Chủ tịch Quỹ Sống, người sáng lập dự án Nhà Chống Lũ – Jang Kều chia sẻ, trong vòng 7 năm qua, dự án đã xây dựng 795 căn nhà an toàn cho bà con, ngoài ra còn 2 ngôi làng hạnh phúc với 120 ngôi nhà. Như vậy, con số Nhà Chống Lũ xây dựng đã lên tới hơn 900. Đây là những thành công về mặt con số, nhưng đối với cá nhân chị, nó không nói lên bất cứ điều gì.

“Thực ra, con số này nghe có vẻ to tát, nhưng sẽ chìm nghỉm so với 150.000 căn nhà bị lũ cuốn trôi và đổ sập; so với số hộ nghèo mong muốn có nhà an toàn. Tuy nhiên, hình thức chung tay của dự án, với ý tưởng cộng đồng hỗ trợ để người thụ hưởng tự xây ngôi nhà của mình, tôi tin tưởng là một trong những thành công”, chị nói.

Trên thực tế, mức giá thành hoàn thiện từng căn nhà chống lũ an toàn nằm trong khoảng từ 80 – 180 triệu đồng. Trong đó, Nhà Chống Lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực của riêng mình, người thân, các nguồn tài chính khác, hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được.

Những người nghèo hưởng lợi không chỉ có ngôi nhà an toàn của chính mình, mà họ sẽ còn tự tin hơn, thậm chí sẵn sàng cho những sự thay đổi trong tương lai. “Sau khi cùng chúng tôi đóng góp tài chính, thiết kế ngôi nhà nói lên mong muốn của bản thân, cùng xây dựng và giám sát, người dân sẽ trở nên tự tin hơn trong lập kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Từ đó, họ nỗ lực hơn cho tương lai tốt đẹp”.

Với Nhà Chống Lũ, không chỉ có người giàu mới hỗ trợ cho người nghèo, không chỉ là “cho và xin”, mà là sự cộng hưởng. 1+1 không còn bằng 2 nữa, mà có thể là “n”, cùng cộng hưởng tạo nên kết quả lớn. Đó là khi, dự án Nhà Chống Lũ xây dựng cẩm nang nhà an toàn, ghi lại tất cả mô hình, cũng như tài liệu, kinh nghiệm để lan tỏa nhiều hơn tới cộng đồng. Khi có trong tay kiến thức và cuốn cẩm nang này, cộng đồng sẽ có thể làm được 10.000, 20.000, thậm chí hàng trăm nghìn ngôi nhà như vậy. Khi đó, 1+1 thực sự đã bằng “n”.

“Chúng tôi không bằng lòng với những gì mình đã làm, từ nền tảng Nhà Chống Lũ chúng tôi đã bắt tay thí điểm dự án mới có tên Làng Hạnh Phúc. Nếu chỉ có 1 căn nhà an toàn không thôi là chưa đủ, cần phát triển gia đình, cộng đồng an toàn”, chị Jang Kều chia sẻ.

Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ miền Trung ruột thịt, hiện đang phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Hãy chung tay cùng Nhà Chống Lũ trong chiến dịch “Hướng về miền Trung” nhằm gây quỹ xây dựng những ngôi nhà an toàn hơn cho người dân vùng lũ. Toàn bộ khoản tiền gây quỹ được sẽ giúp xây dựng những căn nhà mới, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống, vượt qua thiên tai.

Hiện, Nhà Chống Lũ đang bám sát tình hình và sẽ khảo sát để lên kế hoạch hỗ trợ, bổ sung và tiếp tục triển khai xây nhà an toàn ở Huế, Quảng Trị và Quảng Nam – 3 địa bàn chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong cơn bão số 5 và đợt mưa lũ vừa rồi.

Theo Minh Nhân

Pháp luật và bạn đọc (http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/mot-lan-nua-nhung-can-nha-phao-trong-du-an-nha-chong-lu-phat-huy-tac-dung-tai-quang-binh-162201910001222557.htm)

Có thể bạn quan tâm

Chân dung ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa bị bắt

Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *