Chính sách khác nhau một trời một vực, nhưng Trump hay Biden thắng cử, Trung Quốc đều gặp khó

Chính sách khác nhau một trời một vực, nhưng Trump hay Biden thắng cử, Trung Quốc đều gặp khó

Các chuyên gia cho rằng, dù tổng thống Mỹ tiếp theo là ai, thì cũng không có quan điểm ủng hộ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp đang dần rút khỏi Trung Quốc

Tại văn phòng ở thành phố Mexico City, giữa lúc đại dịch COVID đang hoành hành dữ dội, điện thoại của ông Samuel Campos đã liên tục đổ chuông khi các doanh nghiệp gọi điện nhờ tìm cách chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico. Ông Campos, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn bất động sản thương mại Newmark Knight Frank cho biết: “Kể từ khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico- Canada mới có hiệu lực từ tháng 7 đến nay, số lượng giao dịch của chúng tôi đã tăng khoảng 30- 40%”

Những người gọi điện trước đây chủ yếu là doanh nghiệp châu Âu và Mỹ, đối tượng đang tìm cách thoát khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế quan cao trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung hoặc để gần hơn với thị trường tiêu dùng trong nước.

Nhưng trong những tháng gần đây, đã xuất hiên những cuộc gọi từ doanh nghiệp Trung Quốc. Tất cả các cuộc gọi đều quan tâm đến việc quản lý chi phí và sự biến động thị trường đối với lĩnh vực xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong thời gian này. “Các công ty này cần ngay lập tức một chuỗi cung ứng ở khu vực Bắc Mỹ vì họ không muốn mất hợp đồng ở phía bắc biên giới Mỹ- Canada”, ông Campos nói. Và thỏa thuận thương mại được ký kết gần đây đã giúp họ tin rằng rằng Mexico là bệ phóng tốt hơn để xâm nhập thị trường Mỹ.

Xu hướng này không còn là điều mới nữa. Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm giá trị thấp trong suốt một thập kỷ qua đang dần di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí ngày càng đắt đỏ.

Chỉ số đa dạng Trung Quốc (China Diversification Index) của Tập đoàn tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney chuyên theo dõi sự thay đổi trong kim ngạch nhập khẩu hàng công nghiệp của Mỹ từ thị trường Trung Quốc sang các trung tâm sản xuất có chi phí thấp ở châu Á. Khi chỉ số này bắt đầu áp dụng vào năm 2013, Trung Quốc nắm giữ 67% lượng hàng nhập khẩu, nhưng con số này đã giảm xuống mức 56% trong quý 4/ 2019.

Các công ty cao cấp hơn trong lĩnh vực điện tử và ô tô hiện đang dẫn đầu trong hoạt động đa dạng hóa. Theo Reuters, các tập đoàn Đài Loan Foxconn và Pegatron – hai nhà cung cấp sản phẩm chính cho tập đoàn Apple – đang cân nhắc đến phương án xây nhà máy ở Mexico để phòng ngừa nguy cơ xảy ra chiến tranh lạnh mới xuất hiện giữa Mỹ và Trung Quốc.

Và bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nguy cơ này vẫn hiện hữu.

Các chính phủ, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, đang đặt ưu tiên cho việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phù hợp với các chính sách tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Các nhà nghiên cứu tại hãng tư vấn McKinsey ước tính rằng, trong những năm tới, tới 26% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu – trị giá 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2018 – có thể đang di chuyển khỏi địa điểm sản xuất, quay trở lại sản xuất trong nước hoặc chuyển sang các cơ sở sản xuất ở các nước khác. Cùng thời điểm, Tập đoàn Tư vấn Boston ước tính, thương mại hai chiều Mỹ- Trung Quốc vào năm 2023 sẽ giảm khoảng 15%, tương đương khoảng 128 tỷ USD so với con số của năm 2019.

Chuỗi cung ứng của thế giới sẽ ngày càng trở nên ngắn hơn và ít tập trung hơn vào Trung Quốc, cho dù sự hấp dẫn của cơ sở hạ tầng tại đây vẫn giúp Bắc Kinh níu chân được nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Vì vậy, bất kỳ ai trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021 sẽ làm như vậy trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang mất cân bằng với trọng tâm sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Trump đơn phương – Biden đa phương?

Các luận điểm tranh cử của cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đối lập Joe Biden đều có chung quan điểm này. Tuy nhiên, mức độ và cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc ai sẽ là tổng thống trong 4 năm tới.

“Tôi đồng ý rằng cả hai ứng viên tổng thống đều nói về việc gia tăng hoạt động sản xuất trong nước và giảm bớt những tác động từ yếu tố khách quan bao gồm ý muốn của cử tri hay đại dịch COVID”, bà Emily Blanchard, một chuyên gia về chuỗi giá trị toàn cầu tại Trường Kinh doanh Tuck của Đại học Dartmouth ở New Hampshire nói.

“Ngoài những điểm trên, tổng thế chiến lược của 2 bên đối lập hoàn toàn với nhau. Ông Trump đề xuất cách tiếp cận đơn phương hung hăng, hiếu chiến, với thông điệp chúng ta sẽ tự làm điều đó”, bà nói thêm.

Cách tiếp cận của Trump đã được trình bày rõ ràng trong một bài diễn thuyết trong Ngày Lao động, trong đó ông cam kết trao thưởng cho các công ty sản xuất ở Mỹ và trừng phạt những công ty vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. “Nếu họ không thể kinh doanh trong nước, thì hãy để họ sẽ phải trả một khoản thuế lớn cho ngân sách nước Mỹ khi muốn xây dựng nhà máy ở một nước khác”, ông Trump nói.

Đề cương tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump cho thấy các công ty có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ bị loại khỏi các dự án của chính phủ liên bang. Chỉ một lần đề cương này đề cập đến “các đồng minh” của Mỹ, theo đó, “yêu cầu các nước đồng minh chi trả phần chi phí đã thống nhất trước của nước mình”.

Đây là sự tiếp nối các chính sách của ông Trump trong 4 năm qua, trong đó ông đã cố gắng kiềm tỏa Trung Quốc trong khi tạo ra khoảng cách với các nước đồng minh thông qua việc triển khai các loại thuế quan và gửi đi các lời đe dọa.

Tuy vậy, các nhà phê bình cho rằng, Nhật Bản đã công bố các hình thức hỗ trợ tài chính để lôi kéo các công ty nước này di dời khỏi Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa công bố biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Ông Eric Miller, chủ tịch của Tập đoàn chiến lược Rideau Potomac và là cựu cố vấn thương mại của chính phủ Canada, cho rằng, cần phải có “củ cà rốt và cây gậy”, trong khi ông Trump chỉ biết đến “cây gậy”, vì ông thích hình ảnh cá nhân cứng rắn.

Ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden đã cho thấy rằng ông cũng không phản đối quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Gần đây, ông đã công bố kế hoạch sử dụng thuế phụ thu để trừng phạt các công ty Mỹ chuyển việc làm và sản xuất ra nước ngoài với mục đích xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trở lại Mỹ. Mặt khác, ông cho biết các công ty cải tạo các nhà máy ở Mỹ đã đóng cửa có thể được giảm 10% thuế. Về điểm này, có rất ít sự khác biệt giữa 2 ứng cử viên vì cả hai đều đã hứa sẽ thực hiện các biện pháp cải tổ khẩn cấp ngành sản xuất của nước Mỹ.

Các cuộc phỏng vấn với hàng chục học giả, cố vấn, quan chức và nhà kinh tế trong những tháng gần đây chỉ ra rằng ông Biden đang tân dụng mong muốn đa dạng hóa của các nước để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như ông Trump, ông Biden đã cam kết không hành động đơn phương.

Hai trong số các tài liệu chính sách chuỗi cung ứng và kinh tế của ông Biden đề cập đến “các nước đồng minh” tới 17 lần.

Trung Quốc đối mặt 4 năm tiếp theo đầy khó khăn

Tuy vậy, bất kỳ ai thắng cuộc bầu cử tổng thống tới đây đều phải đối phó với thực tế đầy thách thức của việc tổ chức hoạt động sản xuất trong nước. Nền kinh tế nội địa của nước Mỹ đang điêu đứng do tác động của dịch COVID, và rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng để sản xuất trong nước.

Ông Patrick Van den Bossche, một chuyên gia tại Washington của tập đoàn Kearney, cho biết: “Cuối cùng, điều quan trọng là vấn đề lợi nhuận. Việc đa dạng hóa các nhà máy tại các địa điểm khác nhau tốn kém hơn trong bối cảnh phải đáp ứng yêu cầu về giãn cách xã hội trong các nhà máy. Trên hết, chi phí nhân công cho mỗi đơn vị sản phẩm sản xuất tại Mỹ vô cùng cao. Đó không phải là một quyết định đầu tư dễ dàng”.

Đồng thời, một cuộc khảo sát gần đây của chi nhánh Thượng Hải của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy 92,5% đáp viên được khảo sát không có kế hoạch di chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất và chỉ 5% thành viên có kế hoạch đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Hơn một nửa trong số công ty được hỏi muốn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để bán hàng cho 1 thị trường nội địa khổng lồ. Vì vậy, động lực quay trở về trong nước để sản xuất không có tác dụng đối với các doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh đại dịch, các nhóm kinh doanh ở Trung Quốc cho biết giới chức địa phương đã làm mọi việc để lãnh đạo các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương cảm thấy an tâm và tránh một cuộc di dời ồ ạt dẫn tới tình trạng thất nghiệp tràn lan.

“Xu hướng tách biệt nền kinh tế trong các chuỗi cung ứng và lĩnh vực công nghệ chính là không thể tránh khỏi và bất kỳ quốc gia nào cũng cần lo lắng về điều này, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia có nhiều công ty nước ngoài đặt cơ sở sản xuất” Ông Wei Zongyou, giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết.

“Nếu các doanh nghiệp này rời đi, đó sẽ là một tin buồn đối với chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra một sân chơi bình đẳng và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước”, ông nói thêm.

Nhưng việc ông Trump tái đắc cử có thể tạo ra một loại áp lực khác. Nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ đẩy Mỹ – Trung Quốc tiến gần hơn đến chiến tranh và làm ảnh hưởng đến trật tự thương mại toàn cầu.

Ông Wei nói rằng ông dự đoán Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây nhưng lưu ý rằng bất kể tổng thống Mỹ tiếp theo là ai, thì người này đều không có quan điểm ủng hộ Trung Quốc. “Dù thế nào thì Trung Quốc sẽ trải qua 4 năm khó khăn nữa ở phía trước” ông Wei nói.

Theo THu Ngọc

Tổ Quốc (http://toquoc.vn/chinh-sach-khac-nhau-mot-troi-mot-vuc-nhung-trump-hay-biden-thang-cu-tq-deu-gap-kho-8202027911144156.htm)

Có thể bạn quan tâm

Lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 10 tăng chậm lại, dấy lên …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *