Tám tháng năm 2020, cả nước có 923 doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.
Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo đánh giá thị trường BĐS giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững mà Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa công bố.
Báo cáo nêu rõ kể từ đầu tháng 3-2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế, xã hội của cả nước. Dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS. Các phân khúc bị ảnh hưởng như thị trường BĐS cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… cho thuê); phân khúc BĐS du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch – condotel) và thị trường BĐS thứ cấp, mua đi bán lại của các nhà đầu tư lướt sóng.
Hệ quả là ngay cả những DN có tiếng tăm trên thị trường như Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng lỗ đến 488 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm dù đã bán hết vốn góp tại công ty con là Công ty CP Đầu tư Long Điền (LDG). Tương tự, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) dù thu được tới 88 tỉ đồng sau khi bán hết 49% cổ phần tại Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức vẫn không bù đắp được những khó khăn từ BĐS, dẫn tới lỗ ròng 20 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Với những DN đã gặp khó khăn từ trước khi có dịch, tình hình càng bi đát hơn. Công ty CP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) 6 tháng đầu năm chỉ có 828 triệu đồng doanh thu từ kinh doanh BĐS nhưng lỗ ròng tới gần 64 tỉ đồng, dẫn tới vốn sở hữu âm 251 triệu đồng sau 4 năm vật lộn với nợ nần. Còn Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa bị đơn vị kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục sau khi công ty này báo lỗ hơn 286 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm và chưa thanh toán hầu hết các khoản vay đã quá hạn phải trả cho ngân hàng và trái chủ.
Những DN BĐS lớn khác dù không tới mức thua lỗ do tác động của dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm tới nay cũng gặp không ít khó khăn, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Thậm chí có đại gia không đủ sức triển khai dự án đã “bỏ của chạy lấy người” khiến những người đầu cơ ôm đất xung quanh dự án đứng ngồi không yên.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, ngoài số liệu về DN BĐS giải thể, tạm ngừng hoạt động thì việc nhiều chủ đầu tư, DN lớn đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao cho thấy tình hình thực sự khó khăn và sẽ còn tiếp diễn nếu dịch bệnh toàn cầu còn phức tạp. Chưa kể, khi nợ xấu tăng, ngân hàng buộc phải tăng cường bán BĐS thế chấp, DN BĐS càng khó đi vay, DN rơi vào ngõ cụt vì không có tiền xoay xở.
Người lao động (https://nld.com.vn/kinh-te/hang-loat-ong-lon-bat-dong-san-lo-nang-20200912083053051.htm)