Robot Rosa phẫu thuật thần kinh, sọ não ở Bệnh viện Bạch Mai bị nhà cung cấp nâng giá gấp 5 lần khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng một ca thay vì 4 triệu.
Tháng 2/2017, Bệnh viện Bạch Mai ký liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ y tế (BMS) đưa robot Rosa vào phục vụ điều trị bằng phương pháp công nghệ cao.
Ngày 27/2, robot Rosa thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên. Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trên cả nước đưa thiết bị này vào phẫu thuật theo chủ trương xã hội hóa với đánh giá có độ chính xác cao, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Theo hợp đồng, robot Rosa do Công ty BMS đầu tư 100%, được định giá 39 tỷ đồng, sử dụng tại bệnh viện từ năm 2017 đến 2024. Giá mỗi ca tính theo phương pháp chi phí đầu tư, khấu hao thiết bị… khoảng 23 triệu đồng, do bệnh nhân chi trả. Trong số này, BMS hưởng 50%.
Từ tháng 2/2017 đến hết năm 2019, robot Rosa đã phẫu thuật khoảng 550 bệnh nhân tại Bạch Mai.
Từ tháng 5, nghi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân qua việc nâng khống giá robot Rosa để đẩy chi phí phẫu thuật lên cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) vào cuộc.
Gần 3 tháng điều tra, nhà chức trách xác định, lãnh đạo Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) có biểu hiện gian dối và nâng khống giá. Hành vi này bị cáo buộc là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân.
Ngày 31/8, C03 khởi tố vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan. Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc BMS và Ngô Thị Thu Huyền, 37 tuổi, Phó giám đốc BMS cùng Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên VFS bị khởi tố, khám xét và tạm giam, cấm đi khởi nơi cư trú về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, đối chiếu với tờ khai hải quan, robot Rosa được nhập về Việt Nam có giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế. Tuy nhiên, phía công ty đã sử dụng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý do VFS cung cấp, xác định có giá 39 tỷ đồng. Việc nâng khống giá gấp 5 lần là nguyên nhân dẫn tới người bệnh phải chi trả đến 23 triệu đồng một ca thay vì 4 triệu đồng, nếu robot được tính giá 7,4 tỷ đồng.
“Với 550 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, BMS chỉ thu khoảng 2,6 tỷ đồng, nhưng với chiêu thổi giá thiết bị, tiền chênh lệch chiếm đoạt của người bệnh là hơn 10 tỷ đồng”, thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an nêu tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 4/9.
Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để xác định trách nhiệm của những người liên quan.
Ngày 7/9, GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ cuối tháng 5, khi C03 điều tra vụ án, bệnh viện đã dừng hoạt động robot Rosa. Nhằm minh bạch, có các biện pháp điều chỉnh chi phí khám, chữa bệnh cho hợp lý, bệnh viện đang rà soát toàn bộ máy móc, thiết bị liên doanh, liên kết theo hình thức xã hội hóa.
Từ năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện xã hội hóa nhiều thiết bị y tế, dịch vụ trong bệnh viện, trong đó có máy cộng hưởng từ, thiết bị xét nghiệm sinh hóa, thiết bị hỗ trợ phẫu thuật… Máy móc, thiết bị bằng hình thức xã hội hoá phải được hội đồng khoa học nghiệm thu, nếu đáp ứng tiêu chí phục vụ nhu cầu cao cho người bệnh sẽ được sử dụng.
Liên quan việc xã hội hoá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã thành lập tổ thẩm định giá để xem xét, đối chiếu và có biện pháp xử lý, điều chỉnh.
Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện được tự chủ trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định.
https://vnexpress.net/robot-phau-thuat-o-benh-vien-bach-mai-bi-nang-gia-the-nao-4158119.html