Thương vụ sáp nhập với VinCommerce (VCM) là mảnh ghép quan trọng của Tập đoàn Masan trong lộ trình xây dựng The CrownX trở thành “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng trong 5 năm tới.
Những hoài nghi về thương vụ mua lại hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan dần được tháo gỡ sau kỳ đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn với kết quả kinh doanh khả quan.
Ba vòng tròn nhu cầu
The CrownX là công ty con của Masan, đặt mục tiêu mở đường cho mảng hàng tiêu dùng tiến vào kênh bán lẻ hiện đại quy mô lớn. Công ty này là bước hoàn thành lộ trình tạo ra “kỳ lân” ngành hàng tiêu dùng thế hệ mới. Để hiện thực hóa hướng đi này, nền tảng áp dụng lý thuyết “3 vòng tròn nhu cầu” gồm ngành hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm tài chính và nhu cầu xã hội.
Nền tảng có quy mô 300.000 điểm bán truyền thống theo kênh sẵn có của Masan Consumer Holdings (MHC), hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm 30% thị phần và độ phủ rộng của VCM. Ngoài ra, Masan tham vọng đẩy doanh số bán lẻ từ 8% lên 50% tổng giá trị ngành trong 5 năm tới.
Đại diện Masan khẳng định, bán lẻ hiện đại là xu hướng tất yếu trong tương lai, do tầng lớp trung lưu gia tăng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hành vi tiêu dùng thay đổi. Để đáp ứng nhu cầu, sự kết hợp giữa các điểm bán đơn thuần chưa đủ, nhà cung cấp phải có đủ sản phẩm tốt.
Nhiều gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan. |
Trong đó, The CrownX sở hữu lợi thế nhờ công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan đều nổi tiếng trong lĩnh vực thực phẩm chế biến và đồ uống, bán lẻ, thịt tươi sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, sản xuất hóa chất công nghiệp, dịch vụ tài chính. “Các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người dùng Việt Nam”, ông Danny Le, Tổng giám đốc MSN, cho biết.
Trong 3 vòng tròn nhu cầu, lộ trình của The CrownX mở rộng giá trị ngành hàng tiêu dùng theo chiều sâu lẫn danh mục sản phẩm. Ngoài thương vụ M&A ngành hàng mới, nền tảng này dự kiến phát triển mặt hàng mang nhãn hàng riêng, dự kiến đóng góp 40% doanh thu trong tương lai; hợp tác với nhiều nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối của The CrownX có thể mở rộng nhanh thời gian tới thông qua nhượng quyền, hợp tác quảng bá kinh doanh. Mối quan hệ mật thiết, lâu dài với hệ thống phân phối hàng tiêu dùng ở nông thôn có sẵn là bàn đạp giúp Masan đẩy nhanh phát triển kênh mua sắm hiện đại, phục vụ người dùng khu vực này thời gian tới.
Dù phát triển sản phẩm hay mở rộng điểm bán lẻ, Masan vẫn tập trung giữ biên lợi nhuận ổn định. “Chiến lược của The CrownX là mở rộng chiều sâu ngành hàng, đồng thời đảm bảo biên lợi nhuận trên 20%”, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT MCH, cho biết.
Từ offline đến online
Trong 5 năm tiếp theo, The CrownX đặt mục tiêu sở hữu 10.000 cửa hàng, 20.000 cửa hàng nhượng quyền, doanh thu đạt 250.000 tỷ đồng trong kịch bản tốt, phục vụ 35-50 triệu khách. Hiện nay, nền tảng có hơn 3.000 cửa hàng, phục vụ 9 triệu người tiêu dùng.
Lãnh đạo Masan đề cập nhiều về câu chuyện công nghệ. Dù trong ngắn hạn, việc phát triển kênh online chưa phải mục tiêu cao nhất, chiến lược “online hóa” là một phần không thể thiếu với The CrownX, cho phép kết nối các hộ gia đình, nhà sản xuất hàng hóa và nhà bán lẻ.
Trên thế giới, mô hình bán lẻ kết hợp offline và online không mới. Nhiều thương hiệu bán lẻ sau khi xây dựng đế chế vững mạnh ở cửa hàng truyền thống đã tiến lên online và ngược lại. Đơn cử như một nền tảng của Trung Quốc nổi lên với mô hình thương mại điện tử. Họ phải đầu tư mạnh vào công ty sản xuất, chuỗi bán lẻ truyền thống. Tương tự, thương hiệu bán lẻ quy mô lớn của Mỹ mua lại chuỗi cửa hàng, dựa vào các phát minh về công nghệ như mua sắm, thanh toán tự động.
Ở hướng ngược lại, hệ thống siêu thị truyền thống ở Mỹ mở rộng kinh doanh bằng cách mua lại nền tảng thương mại điện tử thông minh, giúp khách hàng tiết kiệm qua từng bước mua sắm mới.
Việc kết hợp này tạo hướng đi mới trong trào lưu bán lẻ hiện đại hay còn gọi bán lẻ kiểu mới. Tuy nhiên, đại diện Masan định nghĩa bán lẻ hiện đại là hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ với tiêu chí đặt khách hàng làm trọng tâm.
Masan lên kế hoạch xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ. |
Theo đó, công nghệ được xác định tạo lợi thế cạnh tranh, giúp phân tích nhu cầu người dùng theo thời gian thực, dự đoán xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Trong giai đoạn một của “hành trình kỳ lân”, Masan cho biết tập đoàn đang tập trung xây dựng nền tảng bán lẻ thông minh hơn, cải thiện năng suất nhờ tự động hóa hệ thống dữ liệu.
“Chúng ta đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người dùng và công nghệ vào cùng nền tảng. Công nghệ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới và mảng kinh doanh độc lập”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, nhận định.
Ngày 27/6, Công ty cổ phần The CrownX chính thức hoạt động, sở hữu 85,71% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,74% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM). Các cổ đông Masan đã thông qua việc mua thêm 15% cổ phần The CrownX. Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan, cho biết giao dịch đáng chú ý này đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị đến 1 tỷ USD, thời gian thực hiện dự kiến sẽ hoàn tất trong quý III.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, chia sẻ: “Công nghệ, cuộc sống luôn thay đổi. Tuy nhiên, có những điều không bao giờ thay đổi trở thành ngọn hải đăng soi sáng. Hơn 20 năm qua, Masan luôn nỗ lực làm việc góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam”.
Giang Di Linh
https://zingnews.vn/the-crownx-co-gi-de-tro-thanh-ky-lan-nganh-tieu-dung-ban-le-post1109675.html