Chắc hẳn các bạn thắc mắc tại sao mình lại chọn đề tài này phải không? Một sản phẩm âm nhạc của một ca sĩ trẻ có điều gì khiến mình chọn để phân tích ra những điều mà startup có thể học hỏi được?
Chắc các bạn không ai không biết về ca sĩ Sơn Tùng M-TP, và việc ca sĩ này vừa ra mắt một bài hát mới tên là “Có chắc yêu là đây” vào ngày 5/7 vừa qua. Và chắc cũng không còn nhiều người ngạc nhiên với những tiêu đề hot về những thành tích ca sĩ này đạt được sau khi phát hành kiểu như: “”Có chắc yêu là đây” của Sơn Tùng M-TP “càn quét” sau 12 giờ: Kỷ lục 12 triệu view, #1 Châu Á, #1 Canada, #2 thế giới và nhiều hơn thế nữa; hay “Sơn Tùng M-TP lập nhiều kỷ lục thế giới với MV ‘Có chắc yêu là đây'”.
Mình rất thích câu trích dẫn của Huyền Chip trong bài viết về xác suất thống kê và định nghĩa xác suất của thành công trên trang Vietcetera: “Thành công một lần là may rủi. Thành công hai lần là trùng hợp ngẫu nhiên. Thành công ba lần thì mới tin là tài năng.”
Bài hát “Có chắc yêu là đây” không phải là thành công đầu tiên của ca sĩ này, mà cũng không phải lần thứ hai, vì ca sĩ này trước đó đã có không dưới 5 ca khúc lập những kỉ lục, các bài sau đầu phá vỡ những kỉ lục trước đó do ca sĩ này lập nên. Vì vậy, có thể dùng từ “Tài Năng” cho ca sĩ Sơn Tùng M-TP.
Đã có nhiều bài báo tuyên dương ca sĩ này là “bậc thầy marketing” tạo nên những MV triệu view. Nhưng, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư startup và theo sát hỗ trợ startup phát triển, mình đánh giá 3 điều dưới đây các startup có thể học hỏi được trong việc tạo ra sản phẩm thành công, và duy trì sự thành công đó bằng việc vượt lên chính mình qua mỗi sản phẩm, từ ca sĩ tài năng này.
Đầu tiên là High Retention Rate – tạo sản phẩm khiến khán giả nghe đi nghe lại nhiều lần, thứ hai là Network Effect – tận dụng hiệu ứng mạng tạo tính lan truyền; cuối cùng là Passion – niềm đam mê không từ bỏ của một người làm sản phẩm
High Retention Rate – tạo sản phẩm khiến khán giả nghe đi nghe lại nhiều lần
Theo cựu Giám đốc phát triển sản phẩm của Airbnb – Lenny Rachitsky, có 7 tiêu chí quan trọng đánh giá một startup tiềm năng, tiêu chí đứng đầu cho Product-Market-Fit (sản phẩm phù hợp với thị trường) là High Retention Rate (tỉ lệ khách hàng quay trở lại sử dụng cao). Để biết các bài hát của Sơn Tùng M-TP có đạt được tiêu chí này hay không, thì chúng ta hãy cùng phân tích Audience Journey (Hành trình của người nghe nhạc) nhé:
Nghe lần thứ 1: Thấy giai điệu bắt tai, cơ thể muốn nhún nhảy theo, video và ca sĩ visual đẹp mắt, nhưng chưa nghe rõ ca từ và chưa hiểu ý nghĩa toàn bộ bài hát. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
Nghe lần thứ 2: Lần này bật phụ đề tiếng Việt nghe cùng, lúc này hiểu hơn ý nghĩa cùng với cảm nhận giai điệu bắt tai ấy đã thấm hơn, hay hơn. Miệng bắt đầu hát theo ca từ đó, nhưng nhạc nhanh quá hát không đuổi tới được. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
Nghe lần thứ 3: Lần này vẫn thấy hay, vừa nghe vừa xem lyrics để hát cùng, rồi tiện tay xuống xem phần comment đọc xem mọi người nhận xét gì. Comment quá nhiều, không đọc hết trong lần này. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
Nghe lần thứ n: Và cứ như thế người nghe cuốn vào giai điệu bài hát cùng với nút Replay.
Cho đến 4h chiều 7/7, MV của Sơn Tùng M-TP trên YouTube đã có gần 27 triệu view.
Điều đầu tiên có thể khẳng định công thức cho Số lượt nghe nhạc của ca sĩ này luôn cao là = Âm nhạc nghe hay và catchy (bắt tai) + Bậc thầy làm Marketing (đã đề cập ở trên) + Khả năng khơi gợi sự tò mò sẵn có trong mỗi người là HIỂU được hết ý nghĩa bài hát và nếu được là thuộc được bài hát đó.
Do có dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc nhạc của Sơn Tùng M-TP không rõ lời, phải xem phụ đề để hiểu, nhưng mình coi đó là cách làm nhạc khôn ngoan tạo trigger (yếu tố kích hoạt) để người nghe phải nghe đi nghe lại đến hiểu và nhớ lời thì thôi. Mà cái hay là nhạc vốn dĩ đã bắt tai nên dù nghe nhiều cũng khó đạt được tới điểm bão hòa nếu chưa nghe tới vài chục lần.
Điều mà startup có thể học được ở đây, đó là nằm ở cách tạo trigger (yếu tố kích hoạt) việc quay lại sử dụng sản phẩm của người dùng. Có rất nhiều startup mà mình biết đã tạo yếu tố này bằng việc tặng discount phiếu giảm giá cho khách hàng có lần sử dụng tiếp theo.
Nhưng cá nhân mình nghĩ đây là yếu tố mang tính ngắn hạn chỉ để có lần sử dụng thứ 2, nên startup cần có cái nhìn dài hạn hơn, để khách hàng của bạn thường xuyên quay trở lại sử dụng sản phẩm của mình một cách tự nhiên và nhiều lần hơn nữa.
Có một startup đình đám về dịch vụ bảo hiểm và sử khỏe bên Trung Quốc tên là Ping An Good Doctor đã làm điều này rất tốt. Ứng dụng này đã tạo yếu tố kích hoạt gián tiếp, bằng cách khuyến khích người dùng hằng ngày mở ứng dụng ra để họ có thể được cập nhật số bước đi bộ trong ngày của họ, từ đó được thưởng điểm sử dụng cho các dịch vụ như gói khám sức khỏe nằm trong ứng dụng Ping An Good Doctor.
Đây chính là cách họ kích hoạt sự tò mò về thành tích đi bộ cũng như phần thưởng mà người dùng có được trong một ngày, để từ đó tạo ra được lượng người dùng quay trở lại ứng dụng mỗi ngày và tiếp tục sử dụng các dịch vụ của PingAn Good Doctor.
Network Effect – tận dụng hiệu ứng mạng tạo tính lan truyền
Cũng trong bài chia sẻ trên của giám đốc phát triển sản phẩm của Airbnb Lenny Rachitsky có đề cập tới khái niệm này – là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh (moat) cho startup.
Network Effect – hiệu ứng mạng: là việc gia tăng người dùng mới sử dụng sản phẩm của bạn sẽ làm gia tăng lợi ích cho những người dùng trước đó.
Reid Hoffman cũng có đề cập trong cuốn sách “Blitzscaling – Tăng trưởng thần tốc của mình” về vai trò của yếu tố này như sau: “Sự kỳ diệu của hiệu ứng mạng là chúng tạo ra vòng lặp phản hồi tích cực để mang lại sự tăng trưởng và giá trị siêu tuyến tính“.
Vậy ở sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP đã tạo ra hiệu ứng mạng theo những cách nào?
Đầu tiên, vòng lặp hiệu ứng mạng bắt đầu từ việc càng nhiều người xem video âm nhạc của ca sĩ này, sẽ đóng góp thêm nhiều comment, like và share cho những người khác. Những người xem khác sẽ được “hưởng lợi” từ việc đọc comment (không phủ nhận một điều là có rất nhiều người xem trong đó có mình thấy hứng thú với việc đọc comment của những người khác) và tương tác qua comment với những người xem khác.
Việc càng có thêm nhiều người xem, share và comment, sẽ khiến sản phẩm lọt vào top trending, sẽ thu hút sự chú ý đón xem nhiều hơn nữa từ những người dù không phải là fan nhưng tò mò với những điều mới là trending.
Liên quan tới hiệu ứng mạng ở trên, sản phẩm âm nhạc này còn dùng kênh phân phối mang tính “lan truyền” phần chính là qua kênh Youtube, khi người nghe sản phẩm này thu hút thêm nhiều người nghe hơn nữa, và những người đó lại mời gọi những người khác qua tính năng dễ dàng được chia sẻ link Youtube trên các nền tảng mạng xã hội khác.
Cùng với đó là FOMO (Fear of missing out – hội chứng sợ bỏ lỡ) các bài share trên mạng xã hội, đã khiến mọi người tò mò click vào xem thử. Tất cả sự kết hợp hài hòa của các yếu tố, hiệu ứng mang tính “lan truyền” này đã giúp các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP đạt được nhiều lượt view một cách nhanh chóng.
Điều mà các startup có thể học được ở đây, đó chính là luôn cần phải tạo ra hiệu ứng mạng trong sản phẩm của mình, để người dùng cũ mời gọi người dùng mới tới sử dụng một cách tự nhiên và mang tính lan truyền. Hiệu ứng mạng có nhiều loại và các cấp độ mạnh yếu khác nhau. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết của quỹ đầu tư a16z và Hackernoon để có thể tìm ra hiệu ứng mạng và cấp độ phù hợp cho mô hình kinh doanh của mình!
Passion – niềm đam mê không từ bỏ của một người làm sản phẩm
Ở ca sĩ Sơn Tùng M-TP và các bạn startup có một điểm chung đó là Người làm sản phẩm. Sẽ không có sản phẩm nào là hoàn hảo hoàn toàn, sẽ có ý kiến khen chê khác nhau. Đặc biệt, trước những ý kiến chê, chỉ trích cũng không khiến những người làm sản phẩm nản lòng, lùi bước. Họ biết biến những điều đó giúp làm hoàn thiện sản phẩm của mình hơn, mỗi sản phẩm sau đều ghi dấu sự trưởng thành và hoàn thiện hơn sản phẩm trước.
Còn nhớ cách đây 3 đến 4 năm, khi mà làn sóng chỉ trích ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạo nhạc diễn ra mạnh mẽ từ giới chuyên môn tới khán giả. Mỗi sản phẩm của ca sĩ này tung ra đều auto bị “soi” điểm giống nhau với một ca sĩ hay một giai điệu ở nước ngoài nào đó để tìm ra manh mối cho sự “đạo nhạc”.
Dưới áp lực không tưởng đó, những tưởng ca sĩ này sẽ chùn bước, không thể cho ra những sản phẩm hay tiếp theo. Nhưng không, cho tới hôm nay, ca sĩ này vẫn tiếp tục theo đuổi với đam mê viết nhạc, làm nhạc và được hát của mình. Và những tác phẩm âm nhạc được ca sĩ này tạo ra liên tục tạo hit, bài hát sau phá vỡ những kỉ lục được tạo ra từ bài hát trước.
Làm startup cũng vậy, đặc biệt là làm startup ở những nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, dễ mang tâm lý bị chỉ trích sao chép ý tưởng từ các nước tiên tiến đi trước. Grab cũng một thời bị coi là Copycat (sao chép) từ mô hình Uber, hay Be cũng đã từng bị coi là Copycat từ Uber hay Grab.
Hoàng Thị Kim Dung – Đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp Genesia Ventures Nhật Bản ở Việt Nam.
Nhưng hãy xem Grab đã đạt được những gì? Grab đã thắng được Uber ở thị trường Đông Nam Á và khiến Uber hoàn toàn mất sự hiện diện ở thị trường này từ năm 2018. Để làm được điều đó Grab đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, kiên trì tận dụng lợi thế am hiểu địa phương để “địa phương hoá” ở mỗi nước Grab có mặt ở khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy, các startup chúng ta hãy tích cực tham khảo các mô hình kinh doanh ở các thị trường nước bạn vì họ đã đi trước mình để kiểm chứng đâu là mô hình tốt và không tốt cho sự phát triển, qua đó để chúng ta học hỏi và áp dụng linh hoạt phù hợp với địa phương mình.
Lưu ý, không phải mô hình ở đất nước nào cũng có thể áp dụng được với startup ở Việt Nam, các startup cần tham khảo mô hình ở các nước có văn hoá, thói quen và hành vi người dùng cùng với sự phát triển của thị trường gần giống với Việt Nam nhất. Ví dụ như là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia là 3 nước có nhiều case study là nguồn tham khảo hữu ích cho các startup Việt Nam mình.
Ngoài ra, làm sản phẩm đi cùng với sự đam mê và sự bền bỉ là điều không thể thiếu. Sản phẩm ban đầu của bạn có thể chưa hoàn thiện, nhận nhiều lời chê từ người dùng, nhưng đừng nản chí, hãy tập trung vào những ý kiến góp ý mang tính xây dựng để mài giũa sản phẩm tốt hơn từng ngày để có được nhiều hơn sự đón nhận từ người dùng, không ngừng hoàn thiện dù cho tới ngày được cho là thành công. Đó chính là tinh thần của những người làm sản phẩm.
Trên đây là 3 điều quan trọng mà mình đã quan sát, phân tích và rút ra được cho các startup có thể học hỏi từ thành công các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Hy vọng, những điều này sẽ giúp ích và truyền cảm hứng cho mọi người trong việc xây dựng startup thành công cho mình.
Hoàng Thị Kim Dung (Đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp Genesia Ventures Nhật Bản ở Việt Nam)
http://ttvn.toquoc.vn/3-bi-kip-tao-nen-thanh-cong-cac-startup-co-the-hoc-lom-tu-cach-lam-san-pham-cua-son-tung-m-tp-5202077172348918.htm