Không chu cấp nuôi con, có bị phạt?

Sau ly hôn, tôi nuôi hai con và chồng cũ có trách nhiệm chu cấp 5 triệu đồng cho mỗi bé hàng tháng đến khi tròn 18 tuổi.

Tuy nhiên, chồng cũ không thực hiện theo đúng trách nhiệm cấp dưỡng theo quyết định ly hôn. Pháp luật có quy định mức phạt gì với việc làm này hay không? Ngoài ra, sau hai năm ly hôn, anh đang gây khó dễ khi tôi muốn chuyển hộ khẩu khỏi gia đình nhà chồng cũ. Tôi phải làm gì trong trường hợp này?

Luật sư tư vấn

Theo khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Bên cạnh đó tại khoản 1 điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại điều 82 của luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

Như vậy, sau khi có quyết định của tòa án về việc ly hôn và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, người chồng phải thực hiện việc cấp dưỡng của mình cho con theo số tiền mà tòa án đã quy định dựa trên nhu cầu sinh hoạt của các con và thu nhập thực tế.

Trong trường hợp chồng cũ cố tình không thực hiện nghĩa vụ, bạn có thể yêu cầu tòa án buộc người này thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Nếu tòa án ra quyết định buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà người này vẫn không chấp hành thì có thể bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Về việc chưa cắt được hộ khẩu, theo khoản 1, 6 điều 28 Luật Cư trú 2006 về giấy chuyển hộ khẩu quy định như sau: Công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu.

Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:

a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;

c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;

đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.

Như vậy sau khi ly hôn, bạn đã thay đổi chỗ ở hợp pháp, không còn sinh sống thường xuyên, ổn định tại nơi đã đăng ký thường trú với chồng cũ. Bạn không thuộc các trường hợp không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu nên phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu. Bạn cần chuẩn bị sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi nhân khẩu nộp cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục xin cấp giấy chuyển hộ khẩu.

Nếu thuộc trường hợp không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu, bạn có thể thực hiện thủ tục tách sổ hộ khẩu theo điều 27 Luật Cư trú.

Ngoài ra, khoản 8 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú như sau: Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chồng cũ gây khó khăn, không cho mẹ con bạn thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Bạn nên đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu để trình báo nếu chủ hộ tiếp tục làm khó không cho bạn thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

https://vnexpress.net/khong-chu-cap-nuoi-con-co-bi-phat-4110180.html

Có thể bạn quan tâm

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *